Giảm giá vé cho các chủ xe ở gần trạm BOT

Bộ GT-VT đã đồng ý một số phương án để giảm giá vé qua trạm BOT đối với các chủ xe trong bán kính từ 5km quanh trạm. Phạm vi có thể được nới rộng lên 10km với một số dự án đặc biệt.

Giảm giá vé cho các chủ xe ở gần trạm BOT
 
Theo đó, xe buýt được giảm 100%, các loại xe không sử dụng để kinh doanh được giảm 50%, các loại xe khác được giảm 10-40%.
 
Đối với các trạm BOT có tính chất đặc thù như thu giá tuyến tránh, thu hỗ trợ các tuyến cao tốc, thu hoàn vốn cho cả quốc lộ và cao tốc song hành thì tùy điều kiện cụ thể của từng trạm, phạm vi giảm giá đối với các chủ xe có bán kính không quá 10km quanh trạm. Mức giảm giá là 100% với các loại xe buýt và các loại xe không sử dụng để kinh doanh, từ 20-60% với các loại xe khác.
 
Đối với các dự án BOT đã quyết toán trong năm 2017 nhưng chưa ký phụ lục hợp đồng, Bộ GT-VT chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu theo giá trị đã quyết toán.
 
Đối với các dự án chưa thu giá dịch vụ, Bộ GT-VT giao vụ Đối tác công tư chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ, Nhà đầu tư rà soát lại phương án tài chính, mức giá để đề xuất phương án thu nhằm hạn chế bất cập.
 
Việc giảm phí tại các trạm thu phí được xem là giải pháp tình thế sau khi liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở cả 2 chiều Bắc - Nam do các tài xế dùng tiền lẻ mua phí qua trạm.
 
Tuy nhiên, việc giảm giá phí không phải là bản chất của vấn đề, cái chính là tài xế và đông đảo dư luận đều yêu cầu đưa trạm vào đúng vị trí, việc đặt trạm thu phí như hiện nay đã khiến cho tình trạng “phí chồng phí” đang diễn ra. Giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu phí thì đâu vẫn hoàn đó. Chưa kể, không dễ dàng để xác định cụ thể khoảng cách các hộ dân có phương tiện được miễn giảm.
 
BOT được xem là xu thế chung của nhiều nước đang phát triển trên thế giới khi đầu tư phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, đây cũng lại là những nước thường nảy sinh bất cập do khâu quản lý lỏng lẻo từ cơ quan quản lý và những giải thích chưa thực sự thuyết phục.