Giải đua xe Công thức Một - F1 đã ở rất gần với Việt Nam

Sau những thông tin bất ngờ được đưa ra từ “ông chủ” hệ thống giải đua F1 Chase Carey về việc có thể thay thế chặng F1 tại Malaysia bằng một chặng đua tại Việt Nam. Tương lai về giải đua Công thức Một đang ở rất gần Việt Nam khi mới đây Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đồng ý việc tổ chức sự kiện có tầm cỡ quốc tế này.

F1  diễn ra tại Việt Nam sẽ là một chặng đua phố ?
 
Chiều 30/8, trả lời câu hỏi về quan điểm của Chính phủ về việc tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1) ở Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết một số thông tin về việc F1 sẽ tới Việt Nam. Dẫn luật thể thao 2013 cho thấy thẩm quyền quyết định về việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích, diễn biến đầu tiên của việc này là Hà Nội nêu phương án đề xuất nơi đua xe là trên các tuyến đường vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tính toán lại thì thấy đường phố ở khu vực này không đạt yêu cầu cho những hoạt động như giải đua Công thức 1.
 
 
Sau những tính toán cụ thể, tinh thần là vẫn tổ chức giải đua nhưng địa điểm được xác định là trong khu thể thao Mỹ Đình. Tại đây đã có sẵn hạ tầng, đường sá phù hợp, việc cần làm chỉ xử lý lại bề mặt đường đua.
 
Tinh thần đề ra, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là phải xã hội hóa toàn bộ với những phần việc đầu tư, chuẩn bị cho giải đua, không dùng ngân sách nhà nước vào việc này. Thêm vào đó, từ việc xử lý mặt đường tới việc làm thêm các hạng mục như giải phân cách để đảm bảo an toàn trên đường đua… đều phải dùng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách.
 
Điều đặc biệt hơn, chặng đua Công thức 1 có thể được diễn ra tại Hà Nôi vào năm 2019 tới đây là một chặng đua phố. Việc thiết kế một chặng đua phố chắc chắn sẽ không tiêu tốn kinh phí quá lớn như việc xây dựng một đường đua chuyên nghiệp. Và Việt Nam có thể học hỏi công tác xây dựng đường đua cũng như tổ chức từ các chặng đua phố như tại Singapore hay Monaco.
 
Chặng đua tối diễn ra trên phố tại Singapore
 
Tuy nhiên, việc thiết kế một chặng đua phố cũng đòi hòi các yêu cầu vô cùng khắt khe về mặt đường, các công trình đảm bảo an toàn xung quanh đường đua…cho đến các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng… Bên cạnh đó, Việt Nam hay cụ thể là Hà Nội phải chứng minh được khả năng tổ chức chuyên nghiệp cho một giải đua có tầm cỡ thế giới này.
 
F1 không chỉ đơn thuần là giải đua xe có tầm cỡ thế giới. Đây còn được coi là một sự kiện văn hoá thể thao của từng quốc gia khi đăng cai một chặng đua. Được biết, mỗi chặng đua F1 diễn ra trên thế giới thu hút vào khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn khán giả có mặt tại đường đua. Chưa kể lực lượng hậu cần đi theo từng đội đua là rất lớn. Đây được xem là một cơ hội quảng bá và thu hút khách du lịch tới Việt Nam.
 
Không chỉ chứng minh được khả năng tổ chức chuyên nghiệp một giải đua có tầm cỡ thế giới. Việc lựa chọn vị trí để “đặt” đường đua cũng phải được tính toán một cách kỹ càng. Số lượng người đến chứng kín một chặng đua F1 sẽ rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng xung quanh phải đảm bảo, tránh ùn tắc. Bên cạnh đó, vị trí đặt đường đua cũng phải được xem xét để tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho việc các “khán giả quốc tế” trước và sau khi xem đua có thể “khám phá” quốc gia đăng cai chặng đua đó.
 
Ông Chase Carey - "ông chủ" mới của hệ thống giải đua Công thức Một
 
Trước đó, ông chủ mới của Giải đua Công thức Một - Chase Carey khi trả lời giới truyền thông cũng không hề giấu giếm mong muốn thay thế Malaysia Grand Prix bằng một chặng đua ở Việt Nam, và “một chặng đua diễn ra ngay trên đường phố Hà Nội sẽ thu hút một lượng lớn người hâm mộ”.
 
Phát biểu tại một hội nghị do Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) tổ chức ở thủ đô Manila, Philippines hồi tháng 6 vừa qua, ông Chase Carey đánh giá: “Việt Nam là một đất nước rất thú vị. Một quốc gia đã thu hút trí tưởng tượng của thế giới và về nhiều mặt đây chính là nơi chúng tôi muốn đến. Chúng tôi rất vui mừng về cơ hội phát triển ở châu Á, rất hào hứng về những cơ hội mà chúng tôi đang đàm phán tại Việt Nam, chắc chắn vậy.”
 
Ông Bernie Ecclestone (ở giữa) cùng Vettel và Hamilton
 
Ý tưởng về việc đua Việt Nam vào danh sách các quốc gia trên thế giới đứng ra đăng cai một chặng đua F1 đã xuất phát từ cựu giám đốc điều hành giải đua F1 ông Bernie Ecclestone. Vị cựu giám đốc điều hành của giải đua danh giá nhất thế giới này từng cho biết mặc dù chưa có bất cứ hợp đồng chính thức nào được ký kết. Thế nhưng với những gì đã và đang diễn ra, nếu không có gì thay đổi sẽ có một chặng đua F1 diễn ra tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 tới đây. Việt Nam có thể sẽ được đánh giá cao hơn trong cuộc đua với Thái Lan để trở thành chủ nhà của một chặng đua F1. Khi mới đây Thái Lan đã chính thức tổ chức một chặng đua MotoGP tại đường đua Buriam. Rất có thể trong giai đoạn đầu, Thái Lan sẽ tập trung nhiều hơn vào việc tổ chức thành công MotoGP.
 
Còn nhớ giữa năm 2017, trước khi bán quyền tổ chức giải đua F1 cho Liberty Media, một trong những phát biểu cuối cùng của Bernie Ecclestone ở vị trí CEO của Formula1 (nay thuộc về Chase Carey) là từ chối một hợp đồng trị giá hơn 500 triệu USD để Việt Nam được tổ chức một chặng đua F1 trong 10 năm với lí do Đông Nam Á đã có hai chặng đua tại Malaysia và Singapore là quá nhiều. Tuy nhiên, bài toán của nhà đầu tư Liberty Media và của tân chủ tịch của F1 đã khiến tình hình thay đổi.
 
Tình hình trên hoàn toàn có thể thay đổi khi vào đầu năm 2017 vừa qua chính Thủ tướng Malaysia – ông Datuk Seri Najib Tun Razak đã xác nhận thông tin Malaysian Grand Prix 2017 sẽ là mùa giải cuối cùng mà quốc gia này đăng cai tổ chức F1.
 
Malaysia đã quyết định không tiếp tục đăng cai một chặng đua của F1
 
Thủ tướng Datuk Seri Najib Tun Razak cho biết: “Trong thời gian đầu, giải đua F1 đã giúp Malaysia trở thành một điểm đến thể thao tầm cỡ thế giới. Cũng như giúp Malaysia trở thành một điểm đến du lịch hút khách. Tuy nhiên, đã đến lúc mà Chính phủ phải xem xét lại việc tổ chức chặng đua F1 tại đây. Quyết định dừng không tổ chức F1 kể từ năm 2018 được thông qua sau khi chúng tôi kiểm những báo cáo và quan điểm được đưa ra từ đường đua Sepang International Circuit SIC và những tác động tài chính với các bên liên quan”.
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng Malaysia cũng cho rằng, số lượng các quốc gia tổ chức F1 ngày càng tăng (21 quốc gia trong đó có 6 quốc gia Châu Á), từ đó dẫn đến giảm lợi nhuận cho từng quốc gia tham gia tổ chức.  Thủ tướng cũng cho biết thêm, kinh phí tổ chức F1 của Malaysia có thể chuyển hướng sang đầu tư để phát triển các vận động viên đua xe trong nước, cơ sở hạ tầng, công nghệ…
 
Quyết định bất ngờ dừng không tiếp tục đăng cai F1 của Malaysia đã “mở” ra cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam và Thái Lan trở thành chủ nhà của một chặng đua F1.
 
Bên cạnh những ý kiến từ Giám đốc điều hành mới và cũ của giải đua F1. Đại diện một thương hiệu là Heneiken cũng bày tỏ mong muốn sớm đua giải đua xe thể thao F1 đến với Việt Nam.
 
Ông Gianluca Di Tondo  - Giám đốc thương hiệu toàn cầu của Heineken bày tỏ mong muốn quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh của giải đua F1 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Khi được hỏi về quốc gia nào sẽ bổ sung vào danh sách tổ chức F1, Gianluca Di Tondo không ngần ngại chia sẻ: “Rất đơn giản. Đó là một quốc gia Châu Á - Việt Nam. Chúng tôi được biết đến rất nhiều tại Việt Nam nhờ một đối tác địa phương và họ là khách của chúng tôi tại Monza, họ đã hết sức vui mừng”.
 
Tính đến thời điểm này, trong số 21 chặng đua của mùa giải F1 2018, có đến 19 chặng đã được chính phủ các nước thanh toán chi phí này, ước tính khoảng 50 - 60 triệu USD/năm (1.162 tỷ đến 1.395 tỷ đồng).