Giải cứu doanh nghiệp ôtô: Cần gì và như thế nào? (P2)
Câu chuyện giải cứu ở đây không phải là giải cứu doanh nghiệp, mà là giải cứu cả nền kinh tế đang bị ràng buộc và đóng băng bởi những hành động chính sách phi kinh tế và không phù hợp với quy luật thị trường.
Các doanh nghiệp nước ngoài cần bán được hàng và để làm điều này, cái tối thiểu họ mong đợi là các chính sách ổn định, kiểu như các loại phí đánh vào ôtô, vốn khá phi lý, nếu không thực thi được cần có công bố bãi bỏ rõ ràng chứ không ỡm ờ treo lơ lửng theo kiểu chưa thi hành trong mấy năm tới; hay như chính sách nhập khẩu ôtô theo Thông tư 20 của Bộ Công thương mới được một năm, đúng sai chưa bàn, nay lại rục rịch bãi bỏ làm xôn xao các hãng đã “đầu tư lớn nên lấy làm tiếc nếu có thay đổi” (Horst Herdtle, Tổng giám đốc Euro Auto)...
Còn các doanh nghiệp trong nước cần tất cả mọi thứ: từ
Chờ đến khi mọi thứ quay về bình yên, nếu lại muốn phát triển ôtô, lúc đó e chẳng còn kịp nữa. |
đất sạch để xây dựng nhà máy, vay được vốn ngân hàng với lãi suất không tưởng 15% và được để yên cho làm ăn không bị các lực lượng chức năng đến thăm quá thường xuyên với những đề nghị kiểu mùa hè xin hỗ trợ tiền cho “cán bộ đi nghỉ mát”, còn mùa thu thì xin quà trung thu cho các cháu trong cơ quan v.v..
Cái các doanh nghiệp ôtô cần xem ra không có gì quá đáng và cũng khá là đơn giản, xét từ góc độ một xã hội bình thường với một nền kinh tế theo định hướng thị trường thông thường. Xem ra doanh nghiệp ôtô cũng như các doanh nghiệp khác, đều cần một môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Nhưng làm được cái việc tạo ra một môi trường thân thiện bình thường xem ra lại quá khó với một bộ máy hành chính khổng lồ không được trả lương đủ sống đang tồn tại ở nước ta hiện nay.
Nên trong những điều kiện như vậy, làm như thế nào để giải cứu các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ôtô nói riêng là những việc hình như vừa khó nhưng hình như cũng không quá khó.
Có thể xét câu chuyện này ở hai cấp độ: vi mô và vĩ mô. Ở tầm vi mô, cái cần làm hiện nay là xoá bỏ các cản trở cho hoạt động làm ăn của các doanh nghiệp ôtô nảy sinh ra trong khoảng 5 năm gần đây. Việc này liên quan nhiều hơn đến các liên doanh lắp ráp ôtô, những người đang cần bán xe làm ra. Để các doanh nghiệp ôtô có thể làm ăn tốt, các điều kiện môi trường như khoảng 5 năm về trước, năm 2007, khi Việt Nam đang hứng khởi với một tương lai tươi sáng trước mắt sau khi gia nhập WTO, là quá đủ. Vậy chỉ cần chuyển đổi các điều kiện thuế và phí, và nhiều quy định khác kiểu như Thông tư 20, được ban hành từ năm 2008, để tạo dựng lại môi trường vừa tăng sức cạnh tranh, tạo sức ép lên các doanh nghiệp lắp ráp, vừa tăng được sức mua một cách ổn định của thị trường.
Công ty ôtô Trường Hải mới đưa vào khánh thành cảng Tam Hiệp ở Quảng Nam.
Ở tầm vĩ mô câu chuyện khó hơn nhiều vì liên quan
Sự kém cỏi trong hoạch định chiến lược cũng như sự dựa dẫm quá nhiều vào tư vấn, không vô tư, của nước ngoài khi xây dựng chiến lược đã đưa ngành công nghiệp ôtô trải qua 20 năm loay hoay để cuối cùng vẫn đi đến chỗ không còn cơ để phát triển ngày hôm nay, mà chưa thể làm rõ là vì đâu. |
đến cả định hướng phát triển nói chung cũng như cơ cấu nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Định hướng phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ cấu kinh tế lấy các doanh nghiệp quốc doanh làm trụ cột đang có vấn đề khiến cho tốc độ tăng GDP của Việt Nam khựng lại xuống còn khoảng trên 5% năm nay, lạm phát bốc cao vào loại nhất của thế giới. Hậu quả là người dân hoặc không có tiền mua ôtô, hoặc mua ôtô rồi không có tiền để đổ xăng và trả các chi phí liên quan để cái xe có thể vận hành đựợc trên đường. Vậy thì câu chuyện giải cứu ở đây không phải là giải cứu doanh nghiệp, mà là giải cứu cả nền kinh tế đang bị ràng buộc và đóng băng bởi những hành động chính sách phi kinh tế và không phù hợp với quy luật thị trường.
Và chúng ta thấy ở đây đằng sau cái cảm giác bức xúc cần phải giải cứu các doanh nghiệp, bức xúc đến mức cần phải thốt ra bằng lời, thực ra vẫn chỉ là câu chuyện phải tư duy lại để thấy rằng mô hình phát triển dựa trên lao động rẻ, tiết kiệm xã hội quá cao và đầu tư công quá mức sẽ không thể duy trì sự phát triển bền vững được mãi. Nếu không thay đổi căn bản để tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, trong khuôn khổ đó cho phép các doanh nghiệp ôtô, cả 3 loại, mặc sức phát triển theo năng lực của mình, thì có thể có được sự giải cứu doanh nghiệp nào ở đây?
Công nghiệp ôtô là một ngành công nghiệp rất lớn đáng ra phải là một động lực cho sự phát triển nước nhà. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam ý thức được từ rất sớm. Tuy nhiên, định hướng về kinh tế thị trường không được minh định rõ ràng ngay từ đầu đã triệt tiêu khả năng tận dụng sức mạnh của một thị trường 100 triệu dân trong việc phát triển công nghiệp ôtô Việt nam. Còn sự kém cỏi trong hoạch định chiến lược cũng như sự dựa dẫm quá nhiều vào tư vấn, không vô tư, của nước ngoài khi xây dựng chiến lược đã đưa ngành công nghiệp này trải qua 20 năm loay hoay để cuối cùng vẫn đi đến chỗ không còn cơ để phát triển ngày hôm nay, mà chưa thể làm rõ là vì đâu.
Muốn làm lại, phải bắt đầu tái cơ cấu với sự tập trung vào công nghiệp sản xuất các linh kiện cho ôtô. Bắt đầu tất cả lại từ đầu.
Nhưng vào thời điểm này, còn ai quan tâm. Xã hội ngổn ngang những mối lo về giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng, viện phí tăng, nguy cơ sụp đường, cây đổ, nhà cháy dẫn đến chết người trùng trùng khắp nơi, chưa kể cơn bão khủng hoảng tài chính ngân hàng rồi cũng sẽ làm cho nền kinh tế bung biêng ít nhiều, đủ để quên đi ngay cả chuyện quốc gia đại sự. Chờ đến khi mọi thứ quay về bình yên, nếu lại muốn phát triển ôtô, lúc đó e chẳng còn kịp nữa.
Hết.