Ford Motor đã hồi sinh nhờ Alan Mulally ra sao (1)

Một quyết định đúng đắn là mời Alan Mulally về điều hành không chỉ giúp Ford Motor trở thành hãng xe lớn duy nhất của Mỹ không bị phá sản trong cơn khủng hoảng 5 năm trước mà còn hồi sinh một cách ngoạn mục.

Theo những thông tin mới nhất, có thể từ tháng 5 tới người đàn ông có gương mặt tươi cười sẽ rời bỏ vị trí CEO của Ford Motor. Dù hãng vẫn đang thành công trên nền tảng những gì Alan Mulally đã xây dựng, sau 8 năm chuyện chia tay là hoàn toàn có thể. Chúng tôi xin trích đăng lại một phần lược dịch từ cuốn sách “Biểu tượng Mỹ: Alan Mulally và cuộc chiến giải cứu Ford Motor” của nhà báo ôtô người Mỹ Bryce G. Hoffman được xuất bản từ tháng 3/2012. Các phần được giới thiệu ở đây đã đăng trên tạp chí ÔtôXeMáy Việt Nam tháng số 4/2012.
 
Quyết định chiêu mộ Alan Mulally (trái) bằng được là hành động cực kỳ đúng đắn của Bill Ford (phải)
Chuẩn bị phá sản
 
Mùa hè năm 2006, Ford Motor đối mặt với khó khăn chồng chất. Bill Ford Jr., chắt nội của Henry Ford, đứng trước sức ép từ Hội đồng quản trị: hoặc sáp nhập hoặc bán các chi nhánh. Ông hiểu rõ doanh nghiệp của mình cần tiến lên, và cần tìm ra ai đó có thể làm được điều này.
 
Bill Ford quyết định thành lập Hội đồng Lãnh đạo Chiến lược, xem xét các bước tái cơ cấu và thậm chí đã thảo luận việc sáp nhập hoặc liên minh với một vài hãng xe khác. Hội đồng cũng cân nhắc bán các thương hiệu của Ford ở nước ngoài, song không một ai ở Dearborn (chỉ Ford Motor) muốn chia tay với những tài sản uy tín đó. Giám đốc tài chính Don Leclair nhớ lại: “Chúng tôi sẽ cạn tiền mặt trong vòng từ 18-36 tháng. Khi đó, chúng tôi sẽ phải nộp hồ sơ bảo hộ phá sản”. Và Leclair đã chuẩn bị cho tình huống đó.
 
Vào tháng 4, Bill Ford cuối cùng cũng quyết định sa thải Tổng giám đốc Jim Padilla và đảm nhận cương vị này, bên cạnh vị trí CEO hiện tại. 3 tháng sau đó, ông thừa nhận mình không thể kham nổi toàn bộ công việc và “đã đến lúc cần một CEO có thể cứu được Ford”.
 
Ngày 12/7/2006, chưa đầy 5 năm sau khi ngồi vào chiếc ghế CEO, Ford một lần nữa phải đứng trước Hội đồng quản trị trong thời khắc quan trọng. Lần này không phải là diễn văn đầy tự tin của người thừa kế công ty, mà thay vào đó là sự căng thẳng của một  người đàn ông phải chiến đấu để không bị mất công việc, mất công ty của mình. Khi Bill Ford nắm cương vị CEO vào tháng 10/2001, giá cổ phiếu của công ty là hơn 16 USD. Giờ nó được giao dịch với giá chưa đến 7 USD. Ông cam kết công ty sẽ lãi 9 tỷ USD vào năm 2005 song khi đó Ford lại đang hướng tới mức lỗ kỷ lục. Nụ cười thường trực trên môi Bill Ford đã biến mất, ông đã kiệt sức.
 
Chiêu dụ Mulally
 
Tất cả những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ôtô đều quay lưng lại với Ford. Cái tên đứng đầu trong danh sách ứng cử viên mới là Alan Mulally, TGĐ chi nhánh sản xuất máy bay thương mại của Boeing. Ngày 29/7/2006, Bill Ford điều một chiếc Gulfstream V bay tới Seattle để đón Mulally về nhà ông ở ngoại ô Ann Arbor. Khi chiếc Ford Expedition dừng trước cửa, Mulally ngạc nhiên khi thấy ông chủ của tòa lâu đài rợp bóng cây đứng đợi sẵn trong trang phục quần soóc và áo polo, cùng vợ là Lisa. Mulally khiến hai vợ chồng Ford ngạc nhiên với những cái ôm nồng ấm. Hai người đàn ông ngồi trong phòng khách rộng và bắt đầu trao đổi.
 
Ford bắt đầu bằng việc nói về lịch sử công ty, từ nhà sáng lập Henry Ford, tới thời của “Hank the Deuce”, tức Henry Ford II (bác của Bill Ford) và giai đoạn cạnh tranh với Toyota. Mulally chăm chú lắng nghe. Rõ ràng nhà sản xuất ôtô có bề dầy lịch sử này phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ông đặt ra một loạt câu hỏi cần trả lời trước khi có thể cân nhắc việc chuyển tới một công ty đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để ông có thể chiến đấu cho một công ty là linh hồn ngành ôtô Mỹ. Tự nhủ, nếu bắt tay vào việc, ông cần biết  mọi thứ, Mulally bắt đầu cuộc “thẩm vấn” của mình:
 
“Tại sao lại có nhiều thương hiệu đến vậy?”
 
“Sức mạnh của mạng lưới đại lý ở đâu?”
 
"Tại sao các công ty khu vực lại khác biệt đến vậy?"
 
"Sao ngài không tận dụng tài sản toàn cầu của ngài?"
 
Bill Ford hơi sửng sốt trước sự nhiệt thành của Mulally, và trả lời mọi câu hỏi. Ông nói với Mulally nói về giấc mơ xây dựng mái nhà chung cho nhiều thương hiệu của Nasser (tiền nhiệm của Bill Ford). Ông thừa nhận có quá nhiều đại lý và kể cho Mulally về nỗ lực của mình nhằm toàn cầu hóa hoạt động phát triển sản phẩm. “Cho tới khi chúng ta ngồi đây, không có gì được thực hiện. Chi phí sản xuất quá cao, chu kỳ sản phẩm lại rất chậm. Chúng tôi ngày càng tụt dốc”.
 
“Vậy sao ngài không làm điều đó từ sớm?”, Mulally hỏi.
 
Ford giải thích ông rất muốn, song bị các giám đốc cản trở vì xem đó như một nguy cơ đối với quyền hành của họ. Và nếu Mulally đảm đương công việc, ông sẽ phải tìm cách để vượt qua trở ngại này.
 
Vấn đề nội bộ của Ford khiến Mulally lúng túng. Ông đề nghị Bill Ford nói rõ hơn. Ford xé một tờ giấy từ cuốn sổ tay, vẽ sơ đồ cấu trúc của công ty với tên người đứng đầu từng bộ phận và ai sẽ quản lý họ. Mọi vị trí đều dẫn qua Chánh văn phòng Steve Hamp. Mulally sốc khi nhận thấy có ít người báo cáo trực tiếp với Ford.
 
“Ông ấy bị cô lập”, Mulally nghĩ và ngạc nhiên hơn khi biết Hamp là anh rể của Ford. 
 
Fort tiếp tục đưa ra những nhận xét khẳng khái. Theo ông, công ty đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Hãng bị tác động bởi cả các thế lực bên trong lẫn bên ngoài. Ban giám đốc cân nhắc nghiêm túc khả năng bán Ford hoặc sáp nhập.
 
“Những người điều hành đang sa lầy”, Ford nói với Mulally. “Tôi cần giúp đỡ”. Mulally, vốn hiểu rằng vấn đề ở Ford là nghiêm trọng, song không thể mường tượng tình hình lại xấu đến vậy. Trong khi đó Bill Ford rõ ràng đã quá tải, điều mà ông không hề giấu giếm. Mulally xúc động trước sự am tường và thẳng thắn của Bill Ford song lo lắng về bức chân dung doanh nghiệp tồi tệ mà ông phác họa. Rõ ràng, nếu Ford vẫn còn cơ hội để tự cứu mình thì đó cũng là cơ hội cuối cùng.
 
Bill Ford cũng có những băn khoăn riêng. Ông hỏi Mulally về kinh nghiệm tại Boeing, cách thức đương đầu với khủng hoảng. Ông đề nghị Mulally mô tả phong cách quản lý. Mulally đã giảng giải cách thức cả ban lãnh đạo ​​tham gia phân tích nhanh toàn bộ doanh nghiệp vào mỗi sáng thứ năm, tại Boeing. Mọi báo cáo trực tiếp phải cập nhật ngắn gọn về tình hình của bộ phận hoặc công việc của người quản lý, nêu rõ những gì đã thay đổi kể từ cuộc họp tuần trước. Đó là điểm chính trong cách thức quản lý của Mulally và ông cũng sẽ áp dụng nó ở Dearborn, nếu nhận lời.
 
“Đó sẽ là một cú sốc văn hóa”, Ford cảnh báo.
 
Điều đó có nghĩa gì, Mulally băn khoăn.
 
Bóng chiều dần xuống, Mulally nhận ra rằng mình ngày càng có cảm tình với Bill Ford cũng như công ty của ông. Đại gia sản xuất ôtô đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, song Mulally nghĩ mình đã biết cách để vượt qua. Và ít nhất vẫn còn đó một vài điểm sáng, như Bill Ford nhanh chóng chỉ ra.
 
“Chúng tôi có nhiều người giỏi. Họ chỉ cần một nhà lãnh đạo có thể định hướng và truyền cảm hứng”, Ford nói.
 
Càng lúc, cả 2 càng nhận thức rõ vấn đề của nhau. Tới giờ ăn tối, Mulally thấy rằng ông đã sử dụng từ “chúng ta” khi nói về công ty Ford, thay vì “các ngài”. Ông cố gắng sửa nhưng cảm thấy khó khăn. Vẫn còn một câu hỏi. Mulally nói ông tin rằng không gì có thể cứu Ford Motor ngoài việc tái cấu trúc lại toàn bộ. Nếu Bill Ford tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch, Mulally cần biết liệu ông có sẵn sàng cho những gì sẽ xảy đến.
 
“Ông có thực sự quyết tâm làm điều này?”, Mulally hỏi. 
 
“Tôi chắc chắn”, Ford cam kết. “Và cả gia đình Ford cũng vậy”.
 
Ford có câu hỏi tương tự cho Mulally. “Ông sẽ nói với Jim chứ?”, Ford đề cập đến CEO của Boeing khi đó, Jim McNerney. “Jim sẽ phản ứng thế nào”.
 
Mulally không trả lời.
 
Còn tiếp
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn