Đến lượt Honda ‘chao đảo’ vì lỗi túi khí
Honda hôm qua 10/6 đã trở thành hãng xe hơi thứ tư bị điều tra về cùng một lỗi túi khí xuất phát từ cùng một nhà cung cấp, đang có nguy cơ lan rộng trong ngành công nghiệp ôtô.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) hôm qua thông báo tiến hành cuộc điều tra sơ bộ liên quan đến 320.000 xe Honda Odyssey mô hình năm 2003-2004 vì lỗi túi khí. Trước đó, các hãng Chrysler, Toyota và GM cũng rơi vào cảnh tương tự.
NHTSA cho biết đã nhận được 6 đơn khiếu nại về việc túi khí ở hàng ghế trước đột nhiên bị kích hoạt và bung ra khi xe đang chạy dù không hề xảy ra va chạm. 3 trong 6 đơn nói rằng hành khách đã bị chấn thương vì lỗi này. Ngoài ra, NHTSA cũng cho biết thêm có 41 khách hàng khiếu nại về việc đèn cảnh báo túi khí cứ nháy sáng.
Như vậy, Honda vừa chính thức gia nhập vào đội ngũ 4 hãng xe hơi lớn trên thế giới có nguy cơ buộc phải thông báo thu hồi các dòng xe phiên bản từ 2003 đến 2004 vì lỗi túi khí. Trước đó, hồi tháng 11/2012, Chrysler đã phải thu hồi 919.000 xe bao gồm các mẫu xe Jeep Grand Cherokees, Liberty Crossovers và Dodge Viper. Trong khi đó, Toyota cũng đã làm điều tương tự với 907.000 xe Corolla và Matrix, còn GM là với 48.000 chiếc Pontiac Vibe 2003 tại Mỹ và khoảng 7.000 chiếc tại Canada.
Điều đáng nói là tất cả những mẫu túi khí trong các dòng xe bị thu hồi trên đều được mua từ hãng cung cấp phụ tùng xe hơi hàng đầu của Mỹ TRWAutomotive. “Đã đến lúc NHTSA cần có sự kiểm soát gắt gao hơn đối với cả những nhà cung cấp phụ tùng”, Clarence Ditlow, giám đốc điều hành của Trung tâm An toàn xe hơi nhấn mạnh.
Ngoài 4 hãng xe hơi trên, NHTSA còn gửi yêu cầu kiểm tra các xe của Jaguar Land Rover do cũng sử dụng túi khí của TRWAutomotive. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Jaguar Land Rover - Stuart Schorr khẳng định xe của hãng này không gặp phải rắc rối nào.
Dẫu vậy, điều này không thể làm người tiêu dùng bớt lo lắng. Không ít xe Honda Odyssey đời 2003-2004 đang được sử dụng tại Việt Nam. Hơn nữa, đây là hãng túi khí thứ hai gây ra các vụ thu hồi hàng triệu xe của nhiều hãng. Trước đó là nhà sản xuất Takata, với cùng một lỗi. Rõ ràng có điều gì đó không ổn trong quy trình sản xuất và lắp ráp các sản phẩm này.
