Đề xuất đấu giá biển số xe, số điện thoại thu ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cho đấu giá biển số xe ôtô, số điện thoại bởi chúng có thể đem về triệu tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Ảnh: Dân Trí
Ông Cảnh cho rằng bán đấu giá biển số xe là việc nên làm vì số tiền thu về không nhỏ. Nhà nước cũng không cần phải trả lãi vì đó là nhu cầu thực sự của người dân. Hiện tại, tài nguyên kho biển số xe, số điện thoại rất lớn và trong thời điểm ngân sách khó khăn thì cần huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Do đó, cần quy định 2 loại tài sản này là tài sản công.
Ông lấy dẫn chứng năm 2008, tỉnh Nghệ An đã thí điểm bán đấu giá một biển số xe tứ quý đem về 700 triệu đồng, tương đương xây dựng 7 ngôi nhà cho những người có công với cách mạng. Đến tháng 10 vừa qua, số điện thoại gồm sáu số 8 cũng được bán đấu giá với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ý kiến cần bố sung kho số điện thoại, biển số xe là tài sản công và đem đấu giá để thu tiền cho ngân sách (Vnexpress)
Năm 2016, số xe ôtô bán ra ước tính là 300.000 chiếc. Với mức tăng trưởng hiện nay thì trong khoảng thời gian 2017-2020, toàn thị trường sẽ có thêm 1,8 triệu ôtô được tiêu thụ. Nếu tính trung bình 25 triệu đồng/biển số, nguồn thu cũng có thêm 45.000 tỷ đồng.
Trước tiềm năng đó, ông Cảnh đề nghị bổ sung vào dự luật “kho số được cơ quan Nhà nước dùng để quản lý phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân” với mục đích khẳng định số xe, số điện thoại và các số tương tự phát sinh sau này đều là tài sản công. Tuy nhiên, những biển số đẹp như biển tứ quý, tứ linh nên đem đấu giá, trong khi các số theo nhu cầu của người mua như ngày cưới, ngày sinh thì thu thêm lệ phí. Còn lại, những số có được nhờ ấn nút ngẫu nhiên thì không thu tiền.
Ngoài ra, cần quy định những người có được số đẹp thông qua đấu giá sẽ được tái sử dụng khi chuyển qua thiết bị mới mà không cần đấu giá lại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ hướng dẫn số tiền thu được từ biển số xe sẽ để lại cho địa phương. Quy định này không trái luật ngân sách Nhà nước.
Với những đề xuất về việc bán đấu giá biển số xe, số điện thoại, phần lớn các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, cho rằng đây là việc nên làm từ lâu, giống như lấy tiền của người giàu đem chia cho người nghèo. Làm giàu cho ngân sách nhà nước là hợp lý nhưng vấn đề ở chỗ tiền sẽ vào tay ai? Cũng có không ít người cho rằng bán số đẹp theo ý nghĩa tâm linh là mê tín hay đây là vấn đề đã quá cũ đối với những nước khác. Có người lại phản bác ví dụ về số xe của ông Cảnh quá lạc quan, bởi với 1,8 triệu xe bán ra, không thể có 1,8 triệu số đẹp để bán đấu giá.
Tuy nhiên, cầu là có thật, cung cũng hoàn toàn có thể đáp ứng, chỉ chờ “gió đông”.
Ít nhất đã lỡ mất 5 năm khi năm 2009, Chính phủ đã có công văn giao Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc bán đấu giá sử dụng số xe nhưng đến nay chưa thực hiện được. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là chưa có luật quy định về việc bán đấu giá biển số xe. Trong phiên họp thường vụ hồi tháng 9, góp ý vào dự thảo luật này Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt câu hỏi: “Biển xe số đẹp, các loại phần mềm có được coi là tài sản công hay không?” Trước đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận biển số xe có thể coi là tài sản công. Nếu biết khai thác tốt, có thể góp phần tăng thu ngân sách nhưng để cụ thể hóa vào luật thì còn phải bàn tính thêm.
Gió sớm thổi thì tiết trời sớm ôn hòa.