Đề xuất chi 100 tỷ làm biển báo giao thông
Số tiền khổng lồ 100 tỷ đồng không chỉ dùng để đặt thêm biển báo hợp chuẩn mà còn để thay thế các biển chưa phù hợp, theo đề nghị của Tổng cục đường bộ Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải.
Đây là số tiền bổ sung cho kế hoạch năm 2013 đối với việc thực hiện điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ. Việc hiệu chỉnh này gồm đặt thêm hệ thống biển báo cho phù hợp với Hiệp định GMS (Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng), và tháo dỡ các những biển không có trong Quy chuẩn mới QCVN41:2012.
Ngoài ra, Tổng cục đường bộ dự kiến thay thế những biển báo quá cũ hoặc hỏng, điều chỉnh những biển báo gây cản trở tầm nhìn, hiệu lệnh đột ngột; loại bỏ những biển báo không cần thiết cho người tham gia giao thông; bổ sung biển báo mới tại vị trí gây bức xúc theo phản ánh của địa phương, báo chí. Trên một số đoạn quốc lộ đi qua trung tâm đô thị có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn cũng sẽ được thay toàn bộ biển báo hiệu đường bộ và thiết bị an toàn giao thông theo chuẩn hiện nay.
Như vậy, một phần lớn trong số 100 tỷ đồng sẽ được chi cho việc thay biển hợp chuẩn và sửa chữa các biển lỗi do ngành giao thông gây ra. Ngày 21/5, sau khi tiến hành một đợt kiểm tra, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) đã phát hiện nhiều tuyến đường tại 2 thành phố trung tâm là Hà Nội và TP.HCM đều có tình trạng thiếu biển báo hoặc biển báo không phù hợp.
Chuyện biển báo sai hay biến thành cái bẫy dân xảy ra từ lâu và không hiếm ví dụ. Nhưng chưa từng có trường hợp nào hy hữu như ở Hà Nội, năm 2011, tại ngã 3 giao cắt giữa được Phan Văn Trường với đường Xuân Thuỷ khôn. Do không được Sở GTVT thành phố cắm biển báo cấm đỗ nên cảnh sát giao thông đã tiến hành phạt một lái xe đỗ trên đoạn đường này và lý luận vì không có biển nên đây không phải là ngã 3. Ấy thế mà Sở GTVT cũng không chịu nhận trách nhiệm và toà án cũng lại căn cứ vào luận điểm vô lý ấy để phạt người tham gia giao thông.
Một cái sai không được sửa làm ảnh hưởng đến cả tính công minh của luật pháp. Dùng tiền thuế của dân làm sai rồi lại dùng tiền đó để sửa sai mà không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Câu chuyện biển báo chỉ là một ví dụ nhỏ nhoi cả về tính nghịch lý lẫn quy mô tiêu tiền tồn tại trong Bộ GTVT, nếu đặt bên cạnh vụ việc các trạm thu phí vẫn hoạt động, tiền bảo trì vẫn cứ thu trong khi cùng lúc lập kế hoạch đặt thêm hơn hai chục trạm thu phí khác trong vài năm tới.
