Cổng sạc ô tô điện trở thành chuẩn mới trong xây nhà
Theo quy định mới mà Chính phủ Anh vừa thông báo, kể từ đầu năm 2022, nhà ở và các cơ quan, trung tâm thương mại xây mới phải lắp sẵn hệ thống sạc cho xe điện.
Theo BBC, quy định mới tạo điều kiện cho 145 nghìn điểm sạc cho xe điện sẽ được lắp đặt trên toàn nước Anh mỗi năm. Động thái này là một phần trong mục tiêu chuyển dịch sang xe điện trước khi dòng xe động cơ xăng dầu sẽ bị cấm bán từ năm 2030 mà Chính phủ Anh đang hướng đến.
Khi thông báo về luật mới tại cuộc họp của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) diễn ra vào ngày 22/11, Thủ tướng Johnson khẳng định: Nước Anh đang có sự thay đổi "triệt để" về ôtô, xe tải, xe buýt cũng như các phương tiện giao thông khác. Đồng thời, quy định mới cũng sẽ tạo điều kiện để việc sạc cho xe điện trở nên dễ dàng hơn so với việc nạp nhiên liệu cho xe xăng dầu như hiện nay. Đồng thời, việc thanh toán khi sạc điện cũng đơn giản hơn khi những phương thức thanh toán không tiếp xúc sẽ được áp dụng ở mọi điểm sạc nhanh mới.
Hiện tại, nước Anh có khoảng 25 nghìn điểm sạc dành cho xe điện. Tuy nhiên, theo Cơ quan cạnh tranh và thị trường Anh (CMA), con số này có thể tăng gấp 10 lần trước năm 2030. Điều này là hoàn toàn có thể khi mà nhiều hãng xe lớn như Jaguar và Volvo đã lên kế hoạch điện hóa hoàn toàn trong giai đoạn 2025-2030. Hãng xe Ford cũng cho biết: Đến cuối năm 2030, các mẫu xe bán tại tại châu Âu đều thuộc dòng xe điện. Trong khi đó, lượng xe điện tiêu thụ tại Anh cũng đang tăng trưởng nhanh với khoảng 10% xe bán trong năm 2020 thuộc dòng xe điện thay vì 2,5% của năm 2018.
Song, điểm đáng lo ngại nhất trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu mà Chính phủ Anh đề ra là thiếu cơ sở hạ tầng của hệ thống sạc. Các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn của nước Anh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Đồng thời, chi phí lắp đặt cổng sạc cũng là rào cản không nhỏ cùng với đó là các yếu tố phức tạp khác như thêm không gian lắp cổng sạc ở nhà riêng hay đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng hợp lý tại các điểm sạc công cộng để tránh xảy ra xung đột khi nhu cầu sử dụng tăng cao.