Cơ sở kinh tế của tai nạn giao thông (1)

Thay cho việc kêu rên về ý thức giao thông người Việt, cái có lẽ cũng như các quốc gia khác ở cùng trình độ phát triển tương đương, chúng ta hãy thử nhìn vào khía cạnh kinh tế của các tai nạn giao thông.

Lái xe đơn giản là một niềm vui đối với nhiều người, là một nhu cầu không thể thiếu đối với con người hiện đại, tất nhiên là trừ mấy tay quan chức thích tận dụng xe công cho đến phút cuối cùng còn được ngồi trên ghế lãnh đạo. Ở Việt Nam chúng ta cũng vậy thôi. Vì vậy mà dù gặp biết bao sự phiền hà, tốn kém thậm chí là thù địch đối với dự định sở hữu xe cá nhân, người Việt vẫn mơ có một chiếc xe của mình. Một tin đáng khích lệ là từ dạo vào hè, số lượng xe bán ra có xu hướng nhích lên, trong khi thuế trước bạ ở các địa phương đang có xu hướng rút xuống còn khoảng 10%. Như những năm tốt lành trước kia.
 
Có điều, lái xe lúc này quả là một nỗi lo sợ khi hết vụ tai nạn giao thông này đến tai nạn giao thông khác cứ xảy ra, liên tục: Chuyện chết người ở Quảng Nam vừa mới xảy ra đã có vụ ở Bà Rịa Vũng Tàu, vụ Khánh Hoà tiếp nối. Nhiều vụ chết tập thể. Các xe khách là nạn nhân chính, nhưng các xe khác cũng sẽ chẳng được loại trừ khi tham gia giao thông cùng với những xe khách như thế. Nỗi lo ngại đã lên đến cực điểm khi ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, đăng đàn phát biểu “Tất cả làm đúng mà tai nạn vẫn xảy ra’’ ???!
 
Thế là thế nào? Chẳng lẽ tai nạn giao thông tăng cao là do trời nóng? Như thường lệ ở nước ta mỗi khi có những chuyện bất thường không muốn, không thể hay không tiện nói rõ nguồn cơn, nguyên nhân được phần nhiều quy cho ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Điều này là điều kiện cần và dễ nhất vì khi đó trách nhiệm sẽ thuộc về tất cả. Nhưng điều này cũng khá vô trách nhiệm vì tình trạng cũ sẽ cứ tiếp diễn cho đến khi thay đổi được ý thức của cả một cộng đồng, một chuyện đòi hỏi phải có thời gian hàng thế hệ.
 
Vậy thì thay cho việc kêu rên về ý thức giao thông người Việt, cái có lẽ cũng như các quốc gia khác ở cùng trình độ phát triển tương đương, chúng ta hãy thử nhìn vào khía cạnh kinh tế của các tai nạn giao thông thời gian đầu hè gần đây xem có gì khác không. Rất dễ thấy để xe chạy được cần có ba yếu tố. Thứ nhất, người lái biết lái xe đúng chuẩn, thứ hai là có đủ chi phí để cho xe chạy an toàn trên đường và, thứ ba, đủ chi phí để khắc phục các sự cố có tính chất xã hội trên đường.
 
Việc đầu tiên, đào tạo lái xe, ai đã đi học lấy bằng cũng biết việc dạy đó ngày nay sơ sài đến chừng nào vì ai cũng tin rằng tự học là tốt nhất. Người học tin như thế đã đành mà trường dạy lái xe cũng tin như thế nốt. Thật là đúng theo các phương pháp sư phạm hiện đại nên sau khi đóng tiền xong học viên được thoải mái đến học cũng được mà không đến cũng được, miễn sao thi lọt. Thi đỗ không khó, nhưng để có kinh nghiệm xử trí đường trường, cái cần đến người thầy, lại rất khó. Nhưng trường thu đủ tiền rồi, chung chi cho những nơi cần thiết đủ rồi, thu phí bồi dưỡng khi thi đủ rồi, thì thế nào học viên cũng đỗ. Lãi thu được ở các khoá đào tạo lái xe là siêu lớn và có lợi ích kinh tế của đủ các bên liên quan ở đây. Nhưng nguy hiểm khi tham gia giao thông bắt đầu từ đây.
 
Việc thứ hai, các chi phí cho xe vận hành từ chi phí trực tiếp như tiền mua xăng, phí cầu đường đến những chi phí khác như thuế và phí trước bạ đều có xu hướng tăng cao một cách phi kinh tế. Giá xăng, chẳng hạn, quy luật được rút ra là cứ tăng ba lần thì giảm một lần. Phí cầu đường thì cắt giảm chưa thấy ở mấy nơi nhưng tăng một cách vô lý trên bất cứ đoạn đường mới xây nào khác và cao khủng khiếp: đoạn đường Cầu Giẽ Ninh Bình khoảng 50km thu tới 70.000 đồng. Với cỡ trên chục gói thầu xây đường mới được tung ra, tổn phí cho người lái xe sẽ là bao nhiêu để có thể đi được một cách bình thường, như kỹ thuật cho phép, và những tiêu chuẩn an toàn sẽ bị các chủ xe cắt giảm bao nhiêu cho có tiền để đóng phí. (Các tiêu chuẩn này nhiều lắm mà trước hết là yêu cầu số giờ làm việc của lái xe và độ dài của chặng đường lái xe trong một ngày).
 
Việc thứ ba, nhưng còn lâu mới là cuối cùng, là những phí không chính thức mà dân gian quen gọi là làm luật. Rất dễ phải làm luật trên đường Việt Nam vì các lý do chủ quan lẫn khách quan: người lái thường vi phạm biển báo còn biển báo khá là linh tinh và bất hợp lý nên Tổng cục Đường bộ vừa phải xin cấp 100 (một trăm) tỷ đồng để làm lại biển báo lúc giữa tháng. Và rất đông cảnh sát giao thông cùng các loại thanh tra giao thông đã đợi sẵn trên đường để phạt. Chi phí lót tay là rất lớn, những ai lái xe trên đường đều biết và cũng đã có nhiều vụ việc làm chứng cứ. Tốn phí cho đội ngũ giữ giao thông là khổng lồ, nhưng tốn phí cho sự bực bội và căng thẳng của người tham gia giao thông là vô cùng.
 
Tất cả những cái đó đang có xu hướng tăng và là nguyên nhân cơ bản khiến cho những cố gắng để giảm tai nạn giao thông, từ cải thiện đường đi, thêm biển báo hay tăng cường kiểm tra đều không có hiệu quả: mọi người tham gia giao thông đều đang cố gắng đảm bảo lợi ích kinh tế của mình còn tai nạn giao thông thì phó cho may rủi đổ vào nhà nào nhà ấy phải chịu. Các khoản thu vô lối đã xoá bỏ cơ sở kinh tế của giao thông và tai nạn giao thông, vô tình hay hữu ý, lại chính là cái làm cho hoạt động giao thông còn mang lại lợi ích kinh tế.
 
Còn tiếp
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn