Chán Trung Quốc, các hãng xe châu Âu “tìm đường về quê”

Sau động thái dời bỏ Trung Quốc của nhiều hãng công nghệ lớn, các nhà sản xuất ôtô châu Âu cũng dần “chán” Trung Quốc và đang quay về quê nhà nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại đây.

 triển lãm Frankfurt
 
Sau khi phải “vật lộn” với tình hình kinh tế ảm đạm khiến nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc, triển vọng cho các hãng xe đã lạc quan hơn ở Triển lãm Ôtô Frankfurt 2015 khi các báo cáo cho thấy lượng tiêu thụ đang tăng lên tại thị trường châu Âu.
 
Số lượng xe mới đăng ký tăng 8,6% trong 8 tháng đầu năm 2015. Các nhà sản xuất dự đoán trong năm nay, mức tăng trưởng ở khu vực này sẽ vào khoảng 7%, dễ “bù đắp” hơn cho những thiệt hại từ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, sự chú ý đã dồn vào các dòng xe cỡ nhỏ, phân khúc từng rất khó mở rộng tại châu Âu trong thời gian dài.
 
Opel - thương hiệu châu Âu của GM và Hãng xe Renault của Pháp đã trình làng phiên bản mới của các mẫu xe nhỏ Astra và Megane. Chúng đều được nhà sản xuất trang bị những công nghệ giải trí và an toàn từng chỉ xuất hiện trên xe hạng sang như công nghệ cảnh báo chệch làn đường và hệ thống phanh tự động. Astra đã được “giảm cân” 200kg so với phiên bản trước nhằm cải thiện khả năng vận hành. Trong khi đó, Megane được trang bị hệ thống âm thanh Bose cùng những công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến.
 
Bên cạnh dòng xe phổ thông, phân khúc xe sang cũng khá “sôi động”. Mercedes ra mắt phiên bản coupe thể thao của dòng sedan cỡ trung C-Class và phiên bản mui mềm của chiếc S-Class cao cấp. Bentley - thương hiệu xe sang của Volkswagen - cũng không kém cạnh khi tung ra Bentayga, chiếc SUV sử dụng động cơ 12 xy-lanh với tốc độ tối đa hơn 300 km/h.
 
Ferrari cũng giới thiệu phiên bản mui mềm của 488 GTB từng xuất hiện tại Triển lãm Geneva. Giám đốc điều hành Enrico Galliera cho biết: Hãng không phải lo lắng quá nhiều về tình hình tại Trung Quốc bởi đã có Hong Kong và Đài Loan bù đắp.
 
Với các hãng xe lớn, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng khi trung bình cứ 1.000 người mới có 106 ôtô. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lượng hàng tồn kho gia tăng gây không ít áp lực cho các đại lý và các hãng trong việc tiêu thụ xe. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã phải tính đến nhiều giải pháp khác nhau, từ cắt giảm giá bán đến chuyển trọng tâm sang thị trường tiềm năng hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển những công nghệ mới nhằm thu hút người dùng cũng thúc đẩy các công ty bắt tay để đạt được những tiến bộ mà họ chưa từng có trong quá khứ.
 
Ông Friedrich Eichener - Giám đốc Tài chính BMW - cho biết: Hãng xe Đức và Toyota đang tìm cách tăng cường hợp tác để phát triển công nghệ pin xe điện cùng những công nghệ khác. Hai hãng còn làm việc với nhau về những vật liệu trọng lượng nhẹ, sử dụng chung cấu trúc xe thể thao và các pin thế hệ tiếp theo.