BRT: Quản không được thì… mở hé

Các phương tiện khác có thể được sử dụng chung làn đường xe buýt nhanh BRT trong một số khung giờ nhất định.

Ảnh: Dân Trí
 
Nếu đề xuất của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) được thông qua, thì: Các tuyến xe buýt thường được đi vào làn đường ưu tiên của xe buýt nhanh trong khung giờ từ 4 giờ đến 23 giờ hàng ngày, còn các phương tiện khác có thể đi vào làn BRT từ 23 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau - tức là vào khung giờ khuya khoắt, hầu như không có nhiều phương tiện đi lưu thông trên đường!
 
Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017, tuyến xe buýt nhanh chạy từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã đã vận chuyển gần 5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, sau một năm tuyến BRT đầu tiên của thành phố được vận hành cũng xuất hiện không ít bất cập. Mặc dù đã có làn đường ưu tiên, việc xe buýt nhanh bị lấn làn vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong những giờ cao điểm, hay việc các phương tiện khác chen lên tạt đầu không phải chuyện hiếm gặp.
 
Theo quy định, các phương tiện như ôtô, xe máy đi vào làn đường của BRT là lỗi “đi không đúng phần đường hoặt làn đường”, mức phạt từ 800 nghìn -1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô vi phạm, trong khi mức phạt đối với người đi xe máy dao động từ 300-400 nghìn đồng. Nhưng điều đó không ngăn được các phương tiện tận dụng làn đường “thông thoáng” khi không gian giao thông vốn có của họ bị thu hẹp.
Đề xuất mới nếu được thông qua có thể sẽ “hợp pháp hóa” việc các phương tiện lấn làn xe buýt nhanh trong một số giờ nhất định, giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông. Mặc dù vậy, đề xuất cũng gặp phải không ít phản ứng trái chiều cho rằng khung giờ từ 23 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau không phát huy nhiều tác dụng bởi đó là thời điểm lưu lượng giao thông không quá lớn.
 
Trung tâm còn đưa ra một đề xuất có thể gây tranh cãi khác: Xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận các nhà chờ BRT, từ đó rút ngắn khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100 mét. Bên cạnh đó là cải thiện cơ sở hạ tầng cho người dùng xe lăn tiếp cận nhà chờ xe buýt nhanh, dựng dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường chung nhằm giảm tình trạng các phương tiện khác có thể đi vào làn đường ưu tiên. Cũng theo đề xuất, cần có các điểm trông giữ xe máy, xe đạp ở các vùng lân cận nhà chờ của xe buýt nhanh, tạo điều kiện cho hành khách gửi xe cá nhân và chuyển sang sử dụng BRT.
 
 
Ngoài ra, dự kiến tuyến xe buýt nhanh BRT01 sẽ được tăng cường các dịch vụ như sử dụng thẻ vé điện tử, thông báo dưới dạng âm thanh tại các nhà chờ, bổ sung thông tin cho hành khách hay bố trí thêm nhà vệ sinh tại một số địa điểm...