Phanh tự động khẩn cấp AEB chưa nhận biết được xe máy

Công nghệ phanh tự động khẩn cấp (AEB) ngày càng tiến bộ và phổ biến trên các mẫu xe đời mới, nhưng lại không phát huy tác dụng khi gặp các phương tiện nhỏ hơn như xe máy và xe đạp. Điều đó gây quan ngại cho không ít người, nhất là tại quốc gia có mật độ xe máy cao như Việt Nam. Điều đó nhắc nhở người lái ô tô không nên phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ này.

Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB) là hệ thống an toàn, hỗ trợ ô tô tự động phanh khi phát hiện nguy cơ xảy ra va chạm mà người lái không kịp phản ứng. Lúc đó, hệ thống phanh khẩn cấp sẽ tự động kích hoạt, giúp xe giảm tốc độ hoặc dừng lại kịp thời, từ đó hạn chế thiệt hại do va chạm, bảo vệ an toàn cho người ngồi trên xe và các phương tiện khác trên đường. Đáng tiếc là theo nghiên cứu của Cơ quan Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS), hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) lại chưa nhận biết được xe máy.

Trong thử nghiệm với 10 ô tô thực hiện các bài kiểm tra ở nhiều dải tốc độ khác nhau với "hình nộm" ô tô và xe máy đứng im đặt giữa làn đường, hai bên có vạch kẻ diễn ra vào tháng 4/2023. Kết quả cho thấy chỉ có duy nhất một xe được đánh giá "Tốt", hai xe được đánh giá “có thể chấp nhận", ba xe ở mức “Trung bình” và có đến 4 xe ở mức "Kém". Chiếc ô tô duy nhất đạt điểm "tốt" là Subaru Forester phiên bản 2024.

Ở lần thử nghiệm có quy mô lớn hơn, IIHS đã tiến hành kiểm tra khả năng phanh tự động của 30 mẫu ô tô du lịch và SUV đời mới với mô phỏng tình huống gặp phải các vật cản phía trước như ô tô, rơ-moóc và xe máy đứng yên. Các bài kiểm tra ở nhiều tốc độ khác nhau, từ 50 km/h đến 70 km/h với các mô hình xe máy đặt giữa làn đường hoặc lệch sang hai bên để đánh giá toàn diện.

Kết quả cho thấy sự tiến bộ rõ rệt so với cuộc thử nghiệm diễn ra trước đó khi 16/30 xe đạt mức “Tốt”, tức là có khả năng ngăn chặn hoặc giảm đáng kể lực va chạm khi xe đang ở tốc độ 70 km/h. Tiếc là vẫn có 7 xe bị đánh giá "Kém", gồm có Audi Q7 và Q8, Buick Envista, Chevrolet Tahoe và Trax, KIA Seltos và Nissan Altima. Đáng lo ngại hơn, các xe này đều đâm trúng mô hình xe máy ở tốc độ thấp nhất (50 km/h) và hầu như không giảm tốc trước khi va chạm. Ngay cả các xe được đánh giá "có thể chấp nhận" cũng cho thấy hạn chế rõ rệt với xe máy ở các bài kiểm tra tốc độ cao hơn (70 km/h). Thậm chí, tất cả xe này đều không thể tránh khỏi va chạm với mô hình xe máy với tốc độ tác động lên đến 40 km/h.

Như vậy, dù AEB ngày càng được cải tiến và có nhiều tiến bộ trong khả năng ngăn chặn va chạm phía trước, nhưng việc ngăn ngừa va chạm ở tốc độ cao, nhất là va chạm với xe máy vẫn là thách thức. Đây là điểm yếu nghiêm trọng khi tính mạng con người có thể phụ thuộc vào chỉ vài giây ngắn ngủi. Báo cáo của IIHS cũng chỉ ra rằng: Va chạm từ phía sau là nguyên nhân gây ra hơn 200 trường hợp tử vong cho người đi xe máy mỗi năm tại Mỹ.

Kết quả thử nghiệm của IIHS cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người quá tin vào công nghệ trên ô tô. Bởi dù có tiên tiến đến đâu, công nghệ AEB vẫn chỉ là công cụ hỗ trợ, góp phần giảm thiểu thiệt hại mà thôi. Trong khi phản xạ và sự tập trung của người lái mới là yếu tố quyết định an toàn. Nhất là trong bối cảnh giao thông phức tạp ở các quốc gia như Việt Nam, nơi xe máy chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu phương tiện, đường phố thường xuyên xuất hiện những tình huống bất ngờ như xe máy đột ngột chuyển hướng, người đi bộ băng qua đường hay xe thô sơ bất ngờ xuất hiện. Do đó, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng lái xe vẫn cần được quan tâm hàng đầu.

Cùng với đó, các nhà sản xuất ô tô cũng cần đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện công nghệ AEB, nhất là khả năng phát hiện và phản ứng với xe máy vì người đi xe máy dễ bị chấn thương khi xảy ra va chạm hơn người ngồi trong ô tô. Chỉ khi có sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và ý thức lái xe chủ động mới đảm bảo an toàn giao thông, nhất là với các nước có mật độ xe máy cao như Việt Nam.