Ford sử dụng vỏ đèn pha làm từ vỏ cà phê
Ford vừa công bố kế hoạch sử dụng phụ tùng xe hơi có nguồn gốc từ vỏ cà phê được thải ra tại các cửa hàng của McDonald’s.
Theo nhà sản xuất, vật liệu nhựa sinh học có nguồn gốc từ vỏ cà phê có thể được sử dụng để sản xuất một số thành phần bằng trên xe ôtô, bao gồm vỏ đèn pha.
Khi cà phê được tách vỏ cứng và đưa vào rang, lớp màng mỏng trong cùng bao quanh hạt sẽ rơi ra. Trước đây, phụ phẩm này thường được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ nhưng càng ngày, chúng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các sản phẩm nhựa sinh học.
Để vỏ cà phê có thể biến thành nhựa, chúng cần tiếp xúc với nhiệt độ cao trong môi trường thiếu oxy, trộn với một số loại chất dẻo và phụ gia, tạo thành những miếng nhựa. Sau này, những miếng nhựa sẽ được nung nóng và đúc thành các chi tiết với hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Tuy nhiên, Ford không trực tiếp tham gia vào quá trình trên. Vỏ hạt cà phê thải ra tại McDonald’s sẽ được vận chuyển đến Competitive Green Technologies (công ty có trụ sở tại Ontario) và xử lý thành nhựa sinh học thô. Sau đó, nhựa sinh học thô được đưa đến Varroc Lightning Systems - một nhà thầu phụ chuyên sản xuất đèn pha cho các xe Ford.
Ford cho biết, vỏ đèn pha có nguồn gốc tự nhiên sẽ nhẹ hơn khoảng 20% so với nhựa truyền thống. Đáng tiếc là ở thời điểm hiện tại, hãng xe Mỹ chưa tiết lộ dòng xe nào của hãng sẽ được áp dụng công nghệ này trong tương lai.
Những năm gần đây, Ford đã có những bước tiến đáng chú ý trong việc đưa vật liệu tái chế lên xe hơi, bao gồm đệm ghế ngồi làm từ các sản phẩm đậu nành, gioăng từ lốp cao su cũ hay các chi tiết trong khoang nội thất làm từ tre, vỏ cà chua...
Ông Debbie Mielewski - một lãnh đạo cấp cao của Ford - cho rằng mối liên kết giữa Ford và McDonald’s chính là ví dụ điển hình về nền kinh tế “khép kín”, nơi các ngành công nghiệp có thể làm việc cùng nhau và trao đổi những vật liệu lẽ ra sẽ bị vứt bỏ.