Renault Eolab Concept 2014 hoàn thành tham vọng “1 lít/100km”

Để tạo dấu ấn công nghệ tại Triển lãm Paris 2014, Renault đã tung ra chiếc Eolab Concept siêu tiết kiệm với mức tiêu thụ chỉ 1 lít/100km và phát sinh khí thải tương đương 22g/km.

Trong khi Volkswagen đã tìm ra những giải pháp để làm đẹp cho chiếc XL1 thể thao siêu tiết kiệm (mức tiêu thụ nhiên liệu 1 lít/100km), Renault lại đang xoay sở mọi cách để đạt mức 1 lít/100km cho một chiếc hatchback cỡ nhỏ thông thường. Hãng xe Pháp đã làm được điều này với chiếc Eolab ra mắt tại triển lãm Paris 2014 dù nó mới chỉ là mẫu concept để trưng bày.
 
Renault nói rằng chiếc compact mới này áp dụng gần 100 giải pháp công nghệ và thiết kế để đạt mức tiêu thụ nhiên liệu thấp đến như vậy. Những cải tiến này được chia thành ba hạng mục chính: giảm khối lượng, cải thiện khí động học và hệ thống động lực hiệu quả.
 
Không chỉ bổ sung một số chi tiết bằng nhôm và sợi carbon khi cắt giảm khối  lượng, Renault còn thiết kế lại toàn bộ chiếc xe. Eolab sử dụng kiểu bố trí 3 cánh cửa bất đối xứng (một cửa bên phía tài xế và hai cửa bên phía còn lại). Cấu trúc đa chất liệu với thân xe bằng thép, nhôm và nhựa cùng tấm trần bằng hợp kim magie nặng chỉ 4,5kg đã giúp đáng kể trọng lượng xe. Những tấm kính cường lực đã bị thay thế bởi loại kính và polime chuyên dụng. Chiếc concept này cũng có những cửa hút gió siêu nhẹ làm từ nhựa PP. Về tổng thể, chương trình cắt giảm khối lượng của Renault đã giúp Eolab nhẹ hơn 400kg so với chiếc Clio.
 
 
Bên trong xe, Renault đã gắn những chiếc ghế nhẹ và mỏng trên những bộ khung được chế tạo từ thép, sợi carbon và magie, giúp cắt giảm khối lượng khoảng 12kg và rút ngắn chiều dài tổng của xe khoảng 30mm (so với Renault Clio).
 
 
Đối với hệ thống động lực, Eolab sử dụng công nghệ hybrid Z.E kết hợp một động cơ 3 xi-lanh 1.0 công suât 75 mã lực và một mô-tơ điện công suất 40kW đi kèm với một khối pin li-ion công suất 6,7kWh. Động cơ xăng được nối tới một hộp số tự động 3 cấp ở cấp số 3 trong khi mô-tơ điện được nối tới hộp số này ở các cấp số 1 và 2.
 
Nhờ đó, Eolab có thể di chuyển hoàn toàn bằng điện năng trên hành trình dài 60km với tốc độ cực đại lên tới 120km/h. Hai chế độ vận hành giúp tài xế cân bằng công suất từ nguồn điện và xăng nhằm đạt hiệu quả tối ưu nhất. Chế độ hàng ngày chủ yếu chạy bằng điện cho phép xe đạt tốc độ tối đa lên tới 65km/h. Khi vượt qua dải tốc độ này, động cơ xăng được kích hoạt giúp đẩy tốc độ của xe lên mức tối đa 160km/h.
 
Chiếc concept này còn sử dụng hệ thống phanh Continental MK C1 nhẹ hơn đến vài kg so với loại phanh thông thường. Các hệ thống kiểm soát điện tử (ABS và ESC) được tích hợp vào phanh trong một khối nhỏ gọn mà Renault khẳng định là hoàn toàn phù hợp đối với Eolab.  
 
 
Xét ở khía cạnh khí động học, Renault đã thu hẹp trục bánh phía sau, cắt ngắn trần xe, tối ưu hoa thiết kế phần đuôi và bổ sung các tính năng khí động học chủ động cho Eolab. Đáng chú ý hơn cả là hệ thống điều chỉnh độ cao gầm. Khi xe đỗ, hệ thống treo khí nén chủ động sẽ nâng tối đa chiều cao của gầm. Khi xe chạy trong dải tốc độ 5-70km/h, thân xe được hạ thấp khoảng 25mm, và tiếp tục giảm 25mm khi tốc độ vượt quá 70km/h.
 
 
Để giảm ma sát và tăng hiệu quả, Eolab sử dụng những bộ lốp Michelin 145/45R17 rất mỏng bao quanh bộ vành đặc biệt. Chúng được thiết kế với các tấm ốp khí động để tăng cường hiệu quả làm mát trong khi triệt tiêu lực cản. Khi nhiệt độ hệ thống phanh ở mức bình thường, các tấm ốp xoay và che kín vành để cải thiện đặc tính khí động. Khi cảm biến nhiệt độ của phanh đạt đến mức cho trước, các tấm ốp mở ra để đưa thêm không khí vào làm mát cho hệ thống phanh. Ngoài ra Eolab còn được trang bị thêm các tấm cánh thăng bằng chủ động để giảm nhiễu động của dòng không khí chảy xung quanh xe. Với những điều chỉnh như vậy. Renault tuyên bố đã giảm 30% lực cản khí động tác dụng lên Eolab.
 
Với quá nhiều những tính năng bổ trợ, tài xế sẽ phải để mắt đến chúng nhiều hơn nếu muốn Eolab thực sự phát huy hiệu quả đồng bộ. Giải quyết yêu cầu này, Renault đã thiết kế một khối giao tiếp và điều khiển HMI (Human Machine Interface) gồm một màn hình giống như máy tính bảng đặt ở chính giữa táp-lô và một đồng hồ lái dạng màn hình kép - màn hình bên phải hiển thị thông tin dẫn đường GPS, trong khi bên trái hiển thị dữ liệu tốc độ và những cảnh báo của động cơ. Màn hình chính kích thước 11inch có thể đặt dựng đứng hoặc nằm ngang và cho biết những dữ liệu chi tiết liên quan đến hiệu quả hoạt động của Eolab: phong cách lái, trạng thái của tính năng khí động học chủ động, ma sát lăn của bánh xe và trạng thái các thiết bị điện (như điều hoà không khí).
 
 
Tại triển lãm Paris, Renault nhấn mạnh Eolab là ý tưởng về một chiếc xe hạng B-segment sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt sau khoảng 10 năm nữa. Do đó không ngạc nhiên khi Renault sẽ có đủ thời gian để chuyển hướng sản xuất và từ bỏ dự án Eolab. Tuy nhiên, công ty dự tính sẽ từng bước áp dụng các giải pháp cơ khí, khí động và giảm khối lượng vào những sản phẩm hiện nay trong vài năm tới, giúp những chiếc Renault trở nên tiết kiệm hơn. Mục tiêu của nhà sản xuất là tạo ra những mẫu xe gia đình có mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ 2 lít/100km cho đến năm 2020. Renault đã xác định trước những giải pháp trên Eolab sẽ đi theo các mục tiêu này, tất cả nhằm tìm kiếm những công nghệ mà có tính khả thi trong tương lai gần về cả mặt kỹ thuật và giá thành.
 
 
Ngày nay, hầu hết xe hybrid trên thị trường đều được xếp vào phân khúc đắt tiền với mức giá hơn 40.000 bảng Anh. Giải pháp được trình diễn trên chiếc Eolab không chỉ là một công nghệ hybrid kinh tế cho những chiếc xe nhỏ hơn và trên một quy mô lớn hơn, mục tiêu của Renault là sản xuất ra một chiếc xe sử dụng hai nguồn động lực ở mức giá thấp hơn đáng kể. Theo tiết lộ, Renault sẽ bán chiếc Clio hybrid plug-in ra thị trường vào năm 2018 với giá khoảng 20.000 bảng Anh.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn