Xe khách nhồi hàng chẳng khác gì xe tải
Không được nhồi khách quá số ghế thì các nhà xe tìm cách tăng thu nhập bằng cách tận dụng tối đa mọi khoảng trống trên xe cũng như khoang cốp để nhét càng nhiều hàng càng tốt, thậm chí là cả tấn máy móc, những xúc gỗ lớn… khiến cho xe không còn đủ độ cân bằng như thiết kế rất dễ dẫn đến tai nạn.
Nếu như trước đây, các xe đường dài thường cố gắng bán càng nhiều vé càng tốt, thậm chí còn vợt khách dọc đường đi đến nỗi số người trên xe có lúc còn gấp đôi số ghế. Thế nhưng sau hàng loạt quy định nhằm xóa bỏ tình trạng nhồi nhét khách cũng như phí cầu đường tăng cao thì các nhà xe lại kiếm tiền bằng cách kinh doanh dịch vụ chuyển hàng và lách luật bằng cách chất hàng lên mọi chỗ có thể, thậm chí còn cải tạo xe để tăng không gian chứa hàng. Thế nên, trước giờ khởi hành, các nhà xe đều tất bật sắp đặt hàng hóa lên xe mà còn quên cả việc xếp chỗ cho khách. Không hiểm cảnh những chiếc xe tải đấu đuôi vào khoang hành lý của xe khách và đủ loại bao tải, thùng gỗ, thùng carton... được tuồn vào các ô trống dưới xe khách.
Chỉ cần quan sát kỹ cũng có thể thấy, những thùng phuy nặng đến hàng tạ được vần lên xe, thậm chí có khi còn là những thùng than đá, xúc gỗ nặng lên đến vài chục tạ cũng được chất vào khoang hành lý dưới gầm xe.
Đây có lẽ là dịch vụ kiếm được lợi nhuận nên nhiều công ty vận tải hành khách còn lập hẳn các văn phòng giao nhận hàng hóa. Một số doanh nghiệp vận tải cho biết, vận chuyển hàng hóa bằng xe khách thuận tiện hơn hẳn bởi lượng xe lưu hành trong ngày nhiều hơn, mà cũng không đòi hỏi phải chất đủ bao nhiêu hàng mới chạy xe, lại có thể giảm phí cầu đường, xăng dầu…
Thế nên dù theo thiết kế tiêu chuẩn khoang phía dưới xe dành để chở hành lý của khách đi xe. Tuy nhiên, những xe khách đường dài đều tận dụng khoảng trống này để chở hàng, thậm chí còn yêu cầu khách đi xe tự bảo quản hành lý.
Một cán bộ bến xe tại Hà Nội cho biết, với thùng hàng rộng, xuyên thấu từ đầu đến cuối thân xe, mỗi chuyến xe có thể chở những hàng hóa nặng hàng tấn, dài 3-4m. Việc tận dụng xe khách để chuyển hàng được phổ biến nhất là các xe từ huyện ra trung tâm tỉnh, từ Việt Nam qua Lào, những cung đường của dân buôn chuyến…
Cục trưởng Đăng kiểm Trần Kỳ Hình thừa nhận rằng lâu nay, quản lý xe khách chỉ tập trung việc kiểm soát số người ngồi trên xe. Việc chở thêm vài tạ hàng phía dưới còn nguy hiểm hơn so với chở vượt số người bởi xe chở người nên xe khách thiết kế khác xe tải cả về khung gầm, máy móc và các hệ thống đảm bảo an toàn khác. Ông phân tích, khi xe chở hàng nặng lái xe mất nhiều sức lực để “vần” vô lăng, dễ dẫn đến mất an toàn. Nguy hiểm nhất là khi gặp trường hợp khẩn cấp, lái xe đạp phanh nhưng vì trọng lượng xe quá lớn, xe lao về phía trước, vượt tiêu chuẩn thiết kế của phanh xe.
Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân mà gần đây xảy ra hàng loạt vụ tai nạn xe khách thương tâm với những thiệt hai nặng nề. Mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ GTVT đang sửa đổi thông tư về quản lý vận tải. Kiểm soát hàng hóa trên xe khách là vấn đề mới nhưng quan trọng sẽ được đưa vào dự thảo để lấy ý kiến. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thực hiện và công tác giám sát kiểm tra. Bởi nếu chỉ làm cho có thì những sai phạm sẽ vẫn mãi không thể giải quyết. Cũng giống như vấn nạn tiêu cực của ngành đăng kiểm được nói đến nhiều trong thời gian qua nhưng không thể xử lý dứt điểm vì một số lý do trong đó bao gồm cả lý do không có chứng cứ, song chỉ cần một chuyến vi hành của lãnh đạo ngành thì những tồn tại đã được hiển hiện khá rõ ràng.