Bỏ vài triệu phủ nano cho ôtô: Xe có đẹp nhưng không hiệu quả
Dịch vụ phủ nano cho ôtô đang ngày càng nở rộ và được nhiều người lựa chọn do những ưu điểm mà nó mang lại như xe bóng đẹp hơn, dễ quan sát khi trời mưa. Tuy nhiên hầu hết người dùng vẫn đang lầm tưởng đây là phương pháp thay thế cho việc dán keo xe, chống trầy xước… và thực tế độ “trong suốt” cũng chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn.
Sơn phủ nano là gì?
Công nghệ phủ nano là phủ lên bề mặt một lớp sơn nano mỏng có cấu trúc hạt siêu nhỏ tác dụng bảo vệ bề mặt sơn. Chất phủ nano sẽ kết tinh lại thành một lớp cấu trúc phân tử trong suốt và chắc chắn trên bề mặt sản phẩm, nhờ đó tăng cường khả năng bảo vệ bề mặt, giảm trầy xước và giữ độ sáng bóng và màu sơn lâu hơn. Đặc biệt rất thích hợp với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở Việt Nam, nơi có không khí ẩm, nước mưa có chứa nhiều axit là nguyên nhân chính ăn mòn sơn. Bên cạnh đó, còn giúp bảo vệ bề mặt sơn khỏi các va chạm nhẹ thông thường.
Sơn nano thường có 4 thành phần. Trong đó, Polymer hoặc nhựa để tạo màng mỏng phủ lên bề mặt cần bảo vệ, là thành phần chính của sơn. Thành phần thứ hai là dung môi như nước hoặc chất hữu cơ. Thành phần thứ 3 là chất tạo màu (pigments) có tác dụng chống tia cực tím, tạo độ cứng, giữ màu sắc và tạo bề mặt mịn chống bám bụi vào bề mặt cho sơn. Thành phần cuối cùng là phụ gia để thay đổi một số đặc tính như bảo vệ bề mặt chống ăn mòn… Về mặt khoa học thì công nghệ này rất hiệu quả và được ứng dụng phủ lên các lớp kính xây dưng của các tòa nhà để tránh bám bụi, tiết kiệm chất lau rửa kính và công chăm sóc.
Đặc biệt, việc phủ sơn nano đạt tiêu chuẩn trên kính gương ôtô sẽ tạo hiệu ứng “lá sen”, khi di chuyển trong mưa, các hạt mưa sẽ không thể bám chặt trên kính xe mà sẽ đọng lại thành từng giọt, văng ra khỏi xe nhờ sức gió nên hạn chế tính trạng bị mờ lóa, giảm tầm nhìn trên gương, giúp người lái có thể quan sát đường tốt hơn. Tuy nhiên để hiệu ứng này giữ được lâu thì người sử dụng phải giảm tần suất hoạt động của gạt nước. Bên cạnh đó thì việc phủ sơn nano cũng có tác dụng chống bám bẩn như các vết dầu mỡ, dễ dàng lau sạch, tăng khả năng làm sạch xe. điều này chỉ đúng với các loại sơn nano có thương hiệu.
Hiện tại các gara, shop bán đồ phụ kiện xe hơi đều có bán sản phẩm và dịch vụ phủ nano này. Tại cửa hàng đồ chơi xe hơi trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), một khách hàng tên Hương nhận xét: “Chiếc xe sau khi phủ nano nhìn đẹp hơn, độ bóng cao hơn, đặc biệt là kính lái không bị đọng nước mưa như trước nữa”.
Thực tế chất lượng dịch vụ phủ nano như thế nào?
Thông thường, sau khi phủ nano thì 2 năm sau lớp sơn đó mới hết tác dụng và người sử dụng có thể phủ lớp sơn mới. Để giữ lớp sơn luôn sáng bóng thì người dùng có thể mang bảo dưỡng trong khoảng từ 6-8 tháng. Tại Việt Nam, dung dịch nano đều được đặt mua tại nước ngoài với giá không hề rẻ.
Chi phí để sơn phủ nano cũng khá đa dạng. Một xe 4 chỗ phủ nano toàn thân trung bình có giá từ 4-7 triệu đồng tùy loại xe, tuy nhiên, người dùng cũng có thể lựa chọn chỉ sơn phủ nano trên gương với mức giá từ hơn 1 triệu đồng. Theo chủ các cửa hàng thì việc phủ nano càng rẻ thì càng bị pha nhiều chất phụ gia.
Trước khi phủ sơn nano, chiếc xe thường phải trải qua các bước đánh bóng theo tiêu chuẩn chăm sóc xe hơi của Mỹ và Nhật. Công đoạn quan trọng nhất vẫn là phủ sơn nano lên bề mặt sơn, bởi nó quyết định độ bền cho sự bóng loáng của màu sơn.
Theo một thợ sơn ở Hà Nội cho biết, tất cả các công đoạn được thực hiện trong khoảng từ 5-7 giờ cho một chiếc ôtô. Tuy nhiên, do có quá nhiều cửa hàng chăm sóc xe nhận làm dịch vụ này, thêm sự cạnh tranh về giá nên có rất nhiều cơ sở thực hiện một cách sơ xài cũng như tay nghề thợ sơn chưa cao cũng có thể nguy hại đến chiếc xe.
Mất vài triệu đồng để làm đẹp xe, song nhiều người đã phải thất vọng khi thành quả không được như lời quảng cáo của các cửa hàng. “Mình có phủ nano kính lái, phủ xong thấy kính trong và mới hơn, đi mưa rất hiệu quả, nước mưa đập vào kính và chảy đi rất nhanh, không bám lại như lúc chưa sơn. Tuy nhiên chỉ được trong tháng đầu, đến tháng sau là hiệu ứng này bị giảm đi rõ rệt”. Anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội), một người đã sử dụng qua dịch vụ này cho biết.
Với người sử dụng thì tùy theo giá trị của chiếc xe hoặc điều kiện sử dụng (thường xuyên đi mưa) mà quyết định có sơn phủ nano không. Cần lưu ý, việc bỏ lớp sơn nano cũng không đơn giản, phải dùng máy chà bào mòn lớp nano, nếu bị trầy xước 1 vết nhỏ thì vẫn phải xả ra phủ lại.
Thêm vào đó là sự mập mờ trong thông tin nguồn gốc xuất xứ của sơn cũng khiến người dùng không an tâm. Việc sử dụng hay không dùng dịch vụ này hoàn toàn phụ thuộc và quyết định của người dùng. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất của người sử dụng xe vẫn là biết cách bảo quản cũng như việc lái xe an toàn.
Hiện giờ, công nghệ phủ nano không chỉ sử dụng cho ô tô, mà còn mở rộng áp dụng cho các lĩnh vực khác, chống trầy xước cho điện thoại, máy tính bảng, laptop và xe gắn máy… Tuy nhiên, cũng như nhiều dịch vụ khác chưa được kiểm chứng, người tiêu dùng vẫn cần thận trọng và cố gắng “làm người tiêu dùng thông thái”.