Việt Nam Motorshow 2017, rõ mặt thị trường xe Việt 2018

Triển lãm ô tô Việt Nam 2017 đã khai mạc trong không khí như “quay xổ số” bởi 12 hãng xe liên doanh sản xuất nội địa. Bởi đã nửa năm thị trường xe “ì” ra vì khách cố nhịn mua xe và tâm lý hồi hộp chờ xem quyết định của các hãng ô tô Việt sẽ “làm xe” như nào khi thuế AFTA về 0% từ năm 2018. Câu trả lời cho bức tranh của mảng Ô tô liên doanh Việt coi như đã lộ diện khi những mẫu xe mới xuất hiện.

 
Tham gia triển lãm gồm đủ mặt 12 thương hiệu xe liên doanh có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong đó có cả thương hiệu xe sang, xe thương mại (tải & bus) cùng xe du lịch. Đó là các tên xe quen thuộc với người Việt là Mercedes-Benz, Lexus, Chevrolet, Ford, Honda, Isuzu, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Toyota và Đô Thành (Bus Scania, Deawoo, xe tải Hyundai) Fuso (xe tải và xe bus). Ngoại trừ 2 thương hiệu cũng liên doanh nhưng có sân chơi riêng là Thaco với 3 mác xe (Kia, Mazda, Peugeot) và Hyundai cùng không tham gia triển lãm. Cho tới trước khi hạn định thuế nhập khẩu xe từ các nước Đông Nam Á về 0% (xe có tỉ lệ nội địa hóa nội khối trên 40%). Câu hỏi các hãng xe sẽ chọn hình thức nhập khẩu hay tiếp tục lắp ráp xe, hoặc sẽ tập trung vào dòng xe nào, luôn nóng trên mọi diễn đàn từ dân tới quan. Đặc biệt khách hàng mua xe là đối tượng mong ngóng đáp án nhất vì họ luôn hi vọng sẽ mua được ô tô giá rẻ. Và triển lãm ô tô này đã cho câu trả lời.
 
Phải nói rằng từ trước tới nay mặc dù có nhiều so đo xe Việt với xe ngoại, nhưng chất lượng và mẫu mã xe Việt vẫn ở mức “chảnh” so với các nước lân cận. Nơi có lượng xe cực rẻ cực bình dân nhiều nhan nhản. Tới đây hình ảnh này sẽ chấm dứt, các mẫu xe sang nửa vời sẽ không còn đất sống vì thuế và chi phí vô lý.
 
Liệt kê hết các mẫu xe mới đáng chú ý được ra mắt và chắc chắn sẽ có kế hoạch bán gồm có: dòng SUV 7 chỗ Chevrolet Trailblazer, dòng xe nhỏ hiện đại Honda Jazz (bản 5 cửa)/Chevrolet Bolt EV, dòng xe đa dụng nhỏ Toyota Avanza/Mitsubishi XM concept, dòng xe nhỏ rẻ tiền Suzuki Celerio/Toyota Wigo, dòng xe MPV cực sang Toyota Alphard, loạt xe sang Lexus Hybrid..
 
 
Nhìn qua đã thấy bức tranh làng Ô tô Việt sẽ phân giầu nghèo rõ ràng. Ở phân khúc xe nhỏ bình dân giá rẻ như Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark, Mitsubishi Mirage... Toyota đã ấn định lối chơi mới bằng xe nhỏ nhập khẩu ĐNA, lợi thế giá cực rẻ (Toyota Wigo nhập Indonesia). Tiếp tục là dòng xe MPV nhỏ cũng sẽ bị phân hoá rõ với 2 mức hoặc cực hiện đại công nghệ là đại diện Mitsubishi XM hoặc cực bình dân với Toyota Avanza (bé hơn Innova). Cả 2 mẫu xe này cũng nhập Indonesia và chúng đều có lợi thế rõ ràng cho sự chọn lựa mua về giá và đẳng cấp. Khác với kiểu MPV nhỏ đang rất lơ ngơ hiện nay ở Việt Nam như Suzuki Ertiga, Nissan Grand Livina, Kia Rondo.. dùng thì không đã mà rẻ không rẻ. Lưu ý rằng ở Việt Nam cả 2 phân khúc xe nhỏ rẻ tiền và MPV nhỏ đều chưa hề có sản phẩm nào của Toyota. Nếu một chiếc xe như Kia Morning, có thể nghèo nàn tiện nghi nhưng rẻ hơn và mang logo Toyota bán ra, vậy xe nào sẽ được chọn!? Trong khi ô tô vẫn là một giấc mơ với tất cả người Việt.
 
 
Chưa hết, Toyota cũng thò chân vào hạng xe miniVan cao cấp – phân khúc của Honda Odyssey, Mercedes-Benz V-Class, Kia Sedona với chiếc MPV nhập khẩu Nhật Bản cực tiện nghi sang trọng Toyota Alphard (ra giá 3,533 tỷ đồng). Còn ở mảng xe du lịch 5 cửa cao cấp hạng B tiêu biểu như Toyota Yaris, Ford Fiesta thì xuất hiện Honda Jazz nhập khẩu với thuế 0% mà tiện nghi và công nghệ đều xuất sắc. Và Honda chỉ còn lắp ráp mỗi City.
 
 
Ở mảng xe sang, triển lãm vẫn có Mercedes-Benz và Lexus hiện diện, nhưng bài toán cạnh tranh cũng rõ. Mercedes vẫn thể hiện tiềm lực mạnh nhất về thương hiệu, quy mô lợi thế lắp ráp, giá cạnh tranh, truyền thông ngập kênh.. nên họ vẫn đứng đầu mảng xe sang. Những mẫu xe chơi như GLC coupé đã được đưa về sớm ngang thế giới. Còn Lexus, bài toán của họ cũng rõ với cửa riêng là một dàn xe sang toàn phiên bản hybrid.
 
 
Còn các hãng khác gồm Chevrolet, Nissan, Ford, Isuzu và Suzuki.. tất cả hầu như không có sản phẩm mới. Những mẫu xe chủ đạo họ mang tới vẫn gồm xe phiên bản nâng cấp, xe đang có lợi thế lắp ráp, xe nhập bản mới tham gia vào cạnh tranh, xe đang ăn khách..v.v Trong đó nổi lên là Ford với thái độ đáng nể nhất bằng cam kết giữ vững sản xuất tại Việt Nam cả lời nói lẫn sự hiện diện của các mẫu xe đang lắp ráp. Tuy nhiên tình trạng chung vẫn là nhập khẩu chiếm ưu thế. Riêng mảng ở mảng xe thương mại tải và bus lại có sự đầu tư ác liệt khi cả 2 thương hiệu Fuso và Đô Thành đều trưng ra những mẫu xe mới được lắp ráp trong nước.
 
 
Vậy là bộ mặt thị trường xe hơi Việt sẽ phân hoá rõ ràng. Ông lớn Toyota quyết nhảy vào tất các phân khúc với chính sách nhập khẩu xe rẻ bình dân lợi thuế, xe giá rẻ thì sẽ cực bình dân. Đe doạ thị phần lớn của đối thủ Trường Hải và Hyundai. Còn ở phân khúc xe tầm trung, các hãng cũng sẽ nhập khẩu hết nhưng ưu tiên dòng xe dung tích nhỏ và có tiện nghi hiện đại. Dòng xe sang sẽ xuất hiện nhóm Hybrid. Các hãng dựa trên “vốn” riêng của mình rồi sẽ ra đủ kiểu chiến lược kinh doanh mới không giống nhau. Vama sau năm 2018 sẽ không còn là một khối, mạnh ai nấy chạy. Và sản xuất trong nước chắc sẽ chỉ còn… để giữ đất!
 
 
Triển lãm Việt Nam Motor Show 2017 sẽ mở cửa cho công chúng từ ngày 2/8 và đến 5/8 tại trung tâm triển lãm SECC, Quận 7 – TP.HCM

Tin tổng hợp

otoxemay.vn