Người Hà Nội tậu ôtô vì sĩ diện?
Bình luận về số lượng các phương tiện giao thông đăng ký mới trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tháng 9 tăng vọt, trong đó ôtô là gần 40 nghìn chiếc, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội, cho rằng nhiều người dân không có nhu cầu mua xe hơi những vẫn cứ mua, thậm chí mua “siêu xe” chỉ để… cho oách. Tuy nhiên, nhận định này của ông Nguyễn Xuân Tân đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cư dân mạng.
Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Xuân Tân hôm 15/9: “Nhiều nhà mua “siêu xe” chỉ để cho oách. Họ không cần biết ô tô của mình đỗ ở đâu, nuôi dưỡng bao nhiêu tiền mỗi năm”. Để minh họa cho nhận xét của mình, ông Tân dẫn chứng trong xóm nhà ông có gia đình không có nhu cầu mua ô tô sang để làm gì nhưng họ vẫn mua cho “oách”. Ôtô mua được hai năm nhưng đi mới được hơn 10 nghìn kilomet, thật quá lãng phí.
Ngoài ra, phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, thị trường ôtô ngày càng nóng, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố có hơn 183.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô gần 40.000, mô tô gần 11.600. Tổng số phương tiện trên địa bàn thành phố hiện nay là hơn 5,5 triệu xe, trong đó ô tô gần 535.000, xe máy gần 5.000.000.
Vì vậy, ông Tân cho rằng, người dân cần phải hiểu ô tô không phải là mốt, nó chỉ đơn thuần là công cụ, phương tiện phục vụ đi lại, sản xuất kinh doanh. Do đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khuyên người dân Hà thành nếu cần thiết thì mới mua ô tô, còn không cần thì thôi để tránh lãng phí cũng như góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong khi không đưa ra được giải pháp giảm ùn tắc giao thông nào mới khả thi, việc “đổ tội” cho người dân Hà thành ham mua ô tô cho “oách” dẫn đến tắc đường của lãnh đạo sở GTVT Hà Nội đã nhanh chóng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cư dân mạng. Một cư dân mạng có tên Hoài Hương bức xúc: “ Trên thế giới, người dân ở các quốc gia khác đã được sử dụng ô tô cách đây hàng trăm năm nay rồi. Vậy mà, ở Việt Nam sang đến thế kỷ 21 rồi mà ôtô vẫn là khát khao của đa số người dân. Trong khi đó, ô tô chỉ là phương tiện đi lại nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân trong các điều kiện thời tiết nắng, mưa, rét, bụi. Thay vì lo ngồi luận tội cho người dân, các lãnh đạo nên tập trung lo phát triển hệ thống giao thông, đẩy nhanh tiến độ cải tạo hạ tầng cho đường sá khỏi tắc. Người dân thì oằn lưng gánh đủ loại thuế, xong quản lý không được lại đổ cho dân sĩ diện”.
Một cư dân mạng khác có tên Minh Trung lại bày tỏ ý kiến theo kiểu châm biếm: “ Tầm nhìn và cách nhìn của bác phó giám đốc sở GTVT thật thú vị, chỉ cần nhìn sang hàng xóm và xa hơn là đầu xóm rồi đưa ra nhận định”. Tuấn Minh, tên một người dùng Facebook, bất bình: “ Nếu thực hiện theo đúng ý chỉ “bất hủ” của lãnh đạo sở GTVT Hà Nội thì người dân muôn đời sẽ đi bộ hoặc tân tiến hơn là xe đạp và các thành phố sẽ không bao giờ phát triển được. Rõ ràng, lượng ô tô đăng ký mới tăng nhanh gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường đô thị, song những người mua xe hơi cũng phải gánh một khoản thuế không hề nhỏ”.
Những ý kiến này không phải hoàn toàn vô lý bởi cơ sở hạ tầng đang không phát triển kịp với nhu cầu của xã hội, tổ chức giao thông tại các đô thị luôn trong tình trạng kém, bên cạnh đó là thói quen không quản được thì cấm bấy lâu vẫn tồn tại trong các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nếu có mua xe rồi nhiều người cũng ngại đi vì sợ tắc đường, sợ vất vả tìm chỗ đỗ xe, ngại phí đường phí xăng, và ngại luôn cả cái chuyện “bẫy” phạt. Hơn nữa, dân có muốn tậu xe làm của để dành giờ cũng ngại cái tiếng “sĩ diện hão”. Thế nên, dù có vật vã tìm đường thì ô tô Việt vẫn cứ gặp trở ngại khi một bên muốn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, một bên lại muốn hạn chế, kìm hãm sự nở ra của các phương tiện.