Khám phá nhà máy sản xuất Lexus LFA - Kỳ cuối: Sau LFA sẽ là gì?

Sau khi hoàn chỉnh, mọi chiếc Lexus LFA đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng trong thời gian một tuần. Đến cuối năm nay, số lượng 500 chiếc sản xuất theo kế hoạch sẽ hoàn thành, và Toyota đã quyết định không tiếp tục sản xuất mẫu siêu xe này. Vậy phân xưởng LFA sẽ làm gì trong tương lai? Điều đó còn đang được giữ kín. Nhưng thật khó tin nếu Toyota bỏ phí phân xưởng sản xuất độc đáo này.

Mỗi chiếc LFA lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất đều được kiểm tra theo cách không giống bất kỳ chiếc xe nào khác. 7.000 hạng mục cũng như các chi tiết của LFA đều đã được kiểm tra, ký xác nhận và lưu trữ trong hồ sơ trước đó, thì giờ lại được kiểm tra thêm một lần nữa. Và mỗi bước trong lần kiểm tra mới này cũng lại được ghi chép và lưu giữ. Nếu nói rằng mất 8 ngày để cho ra đời một chiếc Lexus LFA thì thật ra không chính xác. Ngoài 4 ngày sản xuất phần khung và thân xe, cộng với 4 ngày sơn và lắp ráp hoàn thiện, mẫu siêu xe này còn phải trải qua đợt kiểm tra kéo dài trọn một tuần.
 
Quá trình kiểm tra sẽ diễn ra trong 1 tuần.
 
Nobuaki Amano là người đang có một trong những công việc thú vị nhất trên thế giới, chí ít là theo lời của những người đang làm việc tại Lexus hiện nay. Ông chính là tài xế thử xe. Không một chiếc LFA nào rời khỏi nhà máy ở Motomachi mà lại không được ông cầm lái chạy lên chạy xuống hàng chục lần, dọc theo một đường thử dài hơn 1,5km nằm ngay bên hông bờ tường phía đông của nhà máy. Vì chiều dài giới hạn, đường thử này chỉ đạt đến tốc độ khoảng 210km/h, nếu muốn nhanh hơn người ta phải mang nó tới Trung tâm Kỹ thuật Higashi Fuji của Toyota ở Susono.
 
Mọi chiếc Lexus LFA rời khỏi nhà máy Motomachi đều qua tay Nobuaki Amano.
 
Điều khiển chiếc xe dọc theo đường thử này là chuyện rất khác so với việc cầm lái nó ngoài đường phố đông đúc. Mỗi khi Amano gạt lẫy chuyển số và đạp ga, âm thanh phát ra từ động cơ có thể được ví như chất giọng xa-pra-nô, một kiểu giọng có âm vực cao của các nữ ca sĩ. Vài người khác thì có thể tưởng tượng rằng, thứ âm thanh này giống như “tiếng hống của thiên thần”, hoặc thực tế hơn thì nó giống với âm thanh từ những cỗ máy của xe đua F1, hay bất cứ thứ gì đó mà người ta có thể tưởng tượng ra và mô tả theo cách hoa mỹ nhất.
 
Đường thử dài hơn 1,5km nằm bên bờ tường phía đông nhà máy Motomachi.
 
Nobuaki Amano cầm lái mỗi chiếc LFA chạy lên chạy xuống đường thử này 25 vòng, sau đó đưa ra một bảng đánh giá với 54 hạng mục, ghi chú trong thời gian hơn 4 giờ, sau đó bảng ghi chú này cũng sẽ là một phần trong hồ sơ lý lịch của chiếc xe.
 
 
Trước khi đem ra đường thử, chiếc xe đã được thay một bộ lốp khác, chuyên dùng để đánh giá nhằm tránh hao mòn cho bộ lốp theo xe, vốn sẽ được giao cho khách hàng. Sau cuộc đánh giá này, công-tơ-mét của xe cũng sẽ hiển thị quảng đường đã chạy vào khoảng 80km. Họ cũng phải ghi chú rõ ràng để giải thích với khách hàng rằng đây là một phần trong quá trình sản xuất LFA.
 
25 lần lên và 25 lần xuống dọc đường thử.
 
Sau Lexus LFA sẽ là gì?
Trong buổi sáng trước đó, khách tham quan lại thấy chiếc Lexus LFA mang số thứ tự 369 chuẩn bị bước vào các công đoạn đầu tiên của quá trình hình thành, và trong khoảng 2 tuần nữa nó sẽ tới tay khách hàng. Đến cuối năm nay, số lượng giới hạn 500 chiếc LFA sẽ đạt được và không mở rộng sản xuất thêm. Nếu ai đó định đặt hàng một chiếc như vậy vào lúc này, họ sẽ phải thất vọng vì bị từ chối kèm theo nhiều lời xin lỗi, nhưng rất kiên quyết. “Hạn ngạch” 500 chiếc đã đạt được từ tháng 4/2010, dành cho những người may mắn có tên trong danh sách chờ đợi. Trong vòng 2 năm, đội ngũ công nhân ở phân xưởng LFA đã và đang tiếp tục làm việc theo danh sách đặt hàng này, cứ một xe mỗi ngày.
 
Chiếc LFA thứ 369 bắt đầu được sản xuất.
 
Hai câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao? Và, bước tiếp theo là gì?
 
Ngay cả trước khi dây chuyền sản xuất LFA bắt đầu hoạt động, Toyota đã biết rằng họ không thể kiếm được lợi nhuận từ dự án này. Chỉ cần biết một chút ít về chiếc xe thì điều này cũng đã rất rõ ràng. Tổng số tiền cho quá trình phát triển một mẫu xe thông thường cũng đã có thể rơi vào khoảng gần 1 tỷ đô. Giờ hãy thử tưởng tượng chi phí để phát triển mẫu siêu xe này trong thời gian kéo dài tới 10 năm. LFA chỉ sử dụng 5 chi tiết chung với các mẫu xe khác trong tập đoàn, và để sản xuất ra nó thì người ta phải đầu tư một loạt các công nghệ hoàn toàn mới. Nếu thử nhẩm tính thì có thể thấy 500 khách hàng đã đặt mua LFA là những người may mắn. Chi phí sản xuất thực sự của LFA cao hơn nhiều so với giá bán của nó. Vậy tại sao phải sản xuất?
 
Tanahashi cho xem nhật ký dự án LFA của ông.
 
Tanahashi không bình luận về những kế hoạch cụ thể, nhưng theo cách nói không trực tiếp, ông xác nhận rằng đây là một dự án thử nghiệm xem khả năng sản xuất đại trà đến khi nào sẽ đạt được. Các dòng xe trong tương lai sẽ phải tiết kiệm năng lượng hơn. Điểm mấu chốt là phải giảm khối lượng của chúng.
 
“Vật liệu lý tưởng để chế tạo thân xe là phải nhẹ và bền chắc”, Tanahashi nhắc lại. Sợi carbon là vật liệu như vậy, nhưng vẫn còn rất lâu mới có thể đạt đến mức giá hợp lý. Trừ khi con người giải phóng được công đoạn xếp sợi carbon vào khuôn bằng tay, xử lý được việc hóa cứng chi tiết vốn mất tới nhiều giờ đồng hồ như hiện nay, bằng không, chi phí sản xuất các chi tiết từ vật liệu này vẫn rất đắt đỏ. Tanahashi và nhóm của ông đang nghiên cứu để đưa chi phí sản xuất các chi tiết như vậy về mức giá hợp lý hơn.
 
 
“Phương pháp xử lý Pre-preg là quá chậm”, Tanahashi nói và gợi lại cách thức đặt những tấm carbon đã tẩm nhựa nền vào khuôn bằng tay, sau đó ủ trong nồi hấp áp suất. “Trong những năm tới, phương pháp xếp sợi carbon lên khuôn rồi đổ nhựa nền (RTM) sẽ là phương pháp chủ đạo trong việc sản xuất các chi tiết bằng sợi carbon.”
 
Với RTM, quá trình sản xuất được thực hiện trong khuôn ép, thời gian được giảm xuống còn một nửa, 8 giờ thay vì 16 giờ. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp không thể áp dụng sản xuất hàng loạt, thường có công suất hàng ngàn chi tiết mỗi ngày. “Với công nghệ hiện đại, thời gian giữ trong khuôn ép có thể giảm xuống còn 10-15 phút”, Tanahashi nói. Khá hơn nhiều, nhưng vẫn còn rất chậm. Một máy dập thông thường có thể cho ra một chi tiết tương đương làm bằng kim loại trong thời gian 6 giây, nghĩa là 10 chi tiết chỉ trong 1 phút.
 
Hinh_10: Lexus LFA phiên bản Nurburgring.
 
“Tôi rất tin tưởng rằng, nếu tiếp tục nghiên cứu, CFRP sẽ có thể áp dụng để sản xuất hàng loạt”, Tanahashi cho biết. “Nhanh ra sao và khi nào thì đạt được, tôi không dám chắc. Chúng tôi đang đi theo hướng đó và đang tiến triển.” Tanahashi cùng đội ngũ của mình sẽ còn bận rộn trong một thời gian dài nữa.
 
Kế hoạch 500 chiếc LFA sắp hoàn thành và sẽ không mở rộng sản xuất thêm, vậy sau LFA sẽ là gì? Hỏi Tanahashi câu này, ông dí dỏm trả lời “LFB”.
 
Nhắc đến tin đồn rằng sau LFA sẽ là một mẫu siêu xe trị giá triệu đô được sản xuất với số lượng giới hạn 100 chiếc, Tanahashi lập tức phủ nhận: “Không, điều này hoàn toàn không đúng”.
 
LFA màu đen mờ, để có màu này, khách hàng phải trả thêm 20.000.
 
Vậy kế hoạch tiếp theo sẽ là một mẫu xe Lexus sử dụng CFRP có giá dưới 100.000 USD và số lượng sản xuất vào khoảng 5.000 xe/năm? Tanahashi lưỡng lự, nghĩ ngợi vài giây, như thể để xem xét lại vị trí mà ông và đội ngũ của mình đang đứng, trên con đường hướng tới tương lai, sau đó trả lời: “Nó không đơn giản như vậy.”
 
Vậy rốt cuộc điều gì sẽ xảy ra sau khi LFA ngừng sản xuất vào cuối năm nay. Tanahashi, hiện 59 tuổi sẽ về hưu? Còn 170 công nhân ở phân xưởng LFA sẽ quay trở lại sản xuất những chiếc xe như Crown, Camry và Corolla?
 
Tổng hợp các dòng suy nghĩ, ông nói: “CFRP là vật liệu đầy hứa hẹn. Ngay cả khi dự án LFA kết thúc, nhà máy sản xuất các chi tiết carbon sẽ vẫn được tận dụng tối đa.”
 
Lưu lại câu trả lời này, khách tham quan chào tạm biệt Tanahashi và đội ngũ của ông.
 
Việc cho phép báo giới tham quan khám phá nhà máy sản xuất siêu xe Lexus LFA của Toyota có thể được xem như một nỗ lực nhằm chứng minh khả năng công nghệ, đồng thời giải thích vì sao giá bán của dòng xe thể thao này lại cao tới như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi giá bán của LFA có cao hơn nữa so với con số 375.000USD thì Toyota cũng khó mà kiếm được đồng lợi nhuận nào từ dự án này, bởi quá trình nghiên cứu và phát triển diễn ra tới 10 năm, với rất nhiều khoản đầu tư khổng lồ, đặc biệt là trong việc làm chủ công nghệ xử lý CFRP với hàng loạt các máy móc gia công hiện đại, và một động cơ V10 được phát triển hoàn toàn mới.
 
Tuy nhiên, thành công của dự án này khó có thể quy ra bằng tiền lời kiếm được từ việc bán xe. Từ chỗ không có bất kỳ thành tựu gì về vật liệu carbon, dự án LFA đã mang lại cho Lexus và Toyota các bí quyết công nghệ và một dây chuyền sản xuất hiện đại mà không nhiều hãng có được, dây chuyền và các công nghệ này chắc chắn sẽ còn được áp dụng trong nhiều năm tới.
 
Bên cạnh đó, tinh thần thể thao của siêu xe LFA cũng đã góp phần rất đáng kể trong việc cải thiện hình ảnh của thương hiệu Toyota và Lexus. Sau một thập kỷ từ bỏ mảng thị trường xe thể thao, chấm dứt sản xuất các mẫu như Supra/Celica, Toyota và Lexus hiện đã quay lại mảng thị trường này với các sản phẩm như LFA, Toyota 86 và trong những năm tới có thể còn thêm vài mẫu nữa. Theo các nhà phân tích, mục đích của chiến lược này là vực dậy phong cách và tinh thần thể thao cho các sản phẩm của họ, vốn đang bị xem là quá bình dân, đơn điệu, kém hấp dẫn (đối với Toyota) hoặc quá “già” (đối với Lexus), đồng thời tạo ra một khoảng cách về đẳng cấp đối với các thương hiệu ô tô mới nổi đến từ Hàn Quốc.
 
LFA gần như không thể thu hồi được vốn đã đầu tư, ngay cả Toyota 86 cũng chưa chắc đạt được doanh số và lợi nhuận mục tiêu. Tuy nhiên, các sản phẩm này có thể là nhân tố làm thay đổi hình ảnh, góp phần thúc đẩy các mẫu xe khác của Toyota như Corolla, Camry… và dòng LS, ES, GS của Lexus bán tốt hơn nữa.
 
Quay lại với vấn đề Toyota sẽ làm gì sau khi LFA ngừng sản xuất. Các tin đồn gần đây còn nói rằng, nhiều khả năng phiên bản Lexus LFA Roadster sẽ được giới thiệu vào giữa năm 2014. Kể ra, thông tin này cũng rất đáng chú ý, bởi một phiên bản mui trần như vậy sẽ tận dụng được dây chuyền sản xuất hiện nay vốn chưa hết khấu hao, trong khi chi phí phát sinh mới có thể nói là không đáng kể. Cam kết chỉ sản xuất 500 chiếc Lexus LFA vẫn được giữ nguyên, nhưng các khách hàng mới của Lexus sẽ lại có một lựa chọn khác, thậm chí hấp dẫn hơn với chiếc mui trần lãng mạn.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn