Xe cổ thấp thỏm trước mối quan hệ Mỹ - Cuba

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Cuba, hòn đảo lớn nhất trên biển Caribe đang đứng trước những sự thay đổi lớn. Cuộc sống của người dân sẽ dần được cải thiện với sự xuất hiện ngày càng nhiều xe hơi hiện đại trên đường phố. Số phận của những chiếc xe cổ - nét đặc trưng văn hoá được hình thành trong suốt 50 năm bị cấm vận ở đất nước này – liệu có bị đẩy lùi?

 
Cuba không chỉ có xì gà và đời sống khó khăn
Bên cạnh xì gà và kinh tế khó khăn bởi lệnh cấm vận kéo dài suốt 5 thập kỷ, thứ lớn nhất mà người ta nghĩ về Cuba chính là những chiếc xe cổ hàng chục năm tuổi vẫn đang chạy đầy trên đường phố. Đây chính là một nét văn hóa trong giao thông, sự thu hút khách du lịch quốc tế của hòn đảo trên biển Caribe.
 
Trong suốt một nửa thế kỷ, giao thông ở Havana đã trở nên quen thuộc với những chiếc Pontiac, Studebaker, Oldsmobile, Chevrolet và vô số xe hơi nhập khẩu từ Liên Xô. Đây là hệ quả của sự thắt chặt kiểm soát của chính quyền cộng với lệnh cấm vận mà Mỹ đã áp đặt trong nhiều năm qua, tất cả làm cho việc mua bán xe hơi, linh kiện, phụ tùng và nhiên liệu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
 
 
Khi xe hơi trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt, việc sở hữu và sử dụng xe hơi đối với phần lớn người dân Cuba là không thể. Tại Cuba chỉ quan chức, công chức nhà nước, bác sĩ và những người thật sự giàu mới có thể mua xe nhập vốn rất đắt. Hầu hết người dân ở đây vẫn sử dụng những chiếc xe cũ kỹ, lạc hậu được mông má và đại tu nhiều lần. Tất cả số xe này là di sản đã xuất hiện tại đất nước này từ trước khi Fidel Castro làm cách mạng và lên nắm quyền lực năm 1959.
 
 
Chính vì sự khốn khó như vậy, chiếc xe trở thành một gia tài, thậm chí chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để duy trì cho những chiếc xe “cổ lai hy” này hoạt động được trong tình trạng thiếu phụ tùng và tiền, “trong cái khó ló cái khôn”, người Cuba cũng đã phát huy sáng tạo khi vá víu và thay thế phụ tùng hỏng hóc bằng những thứ tương đương tháo từ xe Liên Xô và Nhật Bản. Do đó mặc dù trông bên ngoài phom dáng của những chiếc xe cổ vẫn rất ổn nhưng bên trong hầu như không còn nguyên bản. Về lý thuyết không nơi nào trên thế giới mà bạn có thể tìm thấy một chiếc Buick 1954 hay Pontiac Bonneville lắp một động cơ Lada. Theo ước tính hiện nay có khoảng 50.000 chiếc xe Mỹ cổ đang lăn bánh trên mọi nẻo đường của đất nước Cuba.
 
Điều đó không có nghĩa là không có những nỗ lực để hiện đại hoá phương tiện giao thông tại đất nước này. Những chiếc Lada của Liên Xô đã được nhập khẩu làm xe cảnh sát và xe công vụ. Sau hàng chục năm sử dụng, Lada trở nên lạc hậu và chúng đã bị thay thế nay những chiếc Geely CK của Trung Quốc. Từ đây, Lada lại có một cuộc sống khác. Chúng được thanh lý và những đầu nậu đem chúng ra bán ngoài chợ đen cho người dân. Đây là cách mà xe hơi được quay vòng liên tục bất kể tuổi thọ và tình trạng kỹ thuật. Hãy nhìn một tài xế taxi chui dưới gầm để sửa một chiếc Lada trong khi hành khách đứng sang một bên trong bộ đồ tắm – điều đó cho thấy rằng taxi ở Cuba rất hay hỏng đến nỗi người ta thấy rất bình thường với điều này.
 
 
Cánh cửa hé mở cho thị trường xe hơi
Một loạt những cải cách kinh tế mới nhất được nhà lãnh đạo Raul Castro khởi xướng đã dần tháo bỏ những rào cản và mở cửa thị trường xe hơi cho tất cả người dân. Tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba đã nói rằng điều luật mới loại bỏ những cơ chế cấp phép cho người dân mua bán xe hơi từ chính phủ. Biện pháp này cũng giúp xóa bỏ hoạt động đầu cơ và làm giàu dựa trên chính sách. Một số kẻ đầu cơ có thể mua xe hơi từ chính phủ rồi bán chúng ra thị trường chợ đen với mức giá cao hơn từ 4 đến 5 lần giá ban đầu.
 
 
Theo đó, năm 2011, cá nhân được phép mua xe mới đã phải xuất trình giấy phép từ nhà chức trách, thủ tục mà trước đây phải trải qua nhiều cấp giải quyết có thể kéo dài đến 5 năm… Quá trình cấp phép nay đã được loại bỏ và giá cả về lý thuyết sẽ được đưa về đúng thị trường, nhưng các doanh nghiệp quốc doanh vẫn giữ độc quyền bán xe mới với mức áp thuế lên tới 100%. Chính phủ sẽ thu được thuế đánh vào xe mới để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông vốn đã xuống cấp trầm trọng tại Cuba.
 
 
Như một kết quả tất yếu, lượng xe nhập khẩu khan hiếm, giá xe mới rất cao – có thể cao hơn từ 3 đến 4 lần so với giá xe được bán tại Mỹ. Trong tương lai, thị trường xe hơi có thể sẽ được mở cửa cho cả doanh nghiệp tư nhân và khi đó, tình trạng này may ra mới được cải thiện.
 
Những chiếc xe mới rõ ràng là điểm nhấn giao thông ở Havana. Khách du lịch từ những nước phát triển như Italia và Đức có thể thuê những chiếc Seat và Peugeot từ các công ty cho thuê xe. Lác đác một vài đại lý xe hơi của Peugeot, Hyundai…  việc sở hữu và sử dụng xe hơi đời mới vẫn là một giấc mơ xa vời, nằm ngoài tầm tay của những gia đình lao động với thu nhập chỉ khoảng 20 USD mỗi tháng – nếu họ may mắn. Trong khi đó, giá xăng rất đắt khoảng 3-4USD/lít và chỉ có loại xăng A83 thấp cấp.
 
 
Mặc dù những cải cách của chính phủ, lệnh cấm vận đã được Mỹ dỡ bỏ nhưng chắc chắn giao thông ở Cuba vẫn thay đổi rất chậm chạp. Những chiếc xe cổ của Mỹ và Liên Xô vẫn chiếm áp đảo trên đường phố. Cuba vẫn chưa có những chính sách phát triển khả dĩ nào tại thời điểm này, nền kinh tế đất nước và đời sống của người dẫn vẫn rất nhiều khó khăn. Trong tương lai gần, quốc đảo này có thể sẽ đón nhận làn sóng xe Trung Quốc và Hàn Quốc với giá cả phải chăng hơn hoặc xe cũ từ các nước lân cận.
 
Tương lai nào cho xe cổ
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa với Cuba đã mở ra một chương mới cho sự thay đổi toàn diện. Cuộc sống yên bình như thường thấy hàng ngày ở Cuba, những người lái taxi già, những chiếc xe hoen gỉ của thập niên 1950-1960 sẽ được thay thế mau chóng khi lệnh cấm vận bị dỡ bỏ. Và hệ sinh thái xe hơi độc đáo của Cuba sẽ chuyển sang một pha phát triển mới. Khó ai mà có thể tưởng tượng nổi niềm khao khát đổi đời sau hàng chục năm bị cô lập với thế giới bên ngoài. Trong dòng chảy đó, những chiếc xe sập xệ, kém tiện nghi và uống xăng như thùng trút này có lẽ không phải là thứ mà người Cuba muốn lưu giữ.
 
Vậy tương lai nào dành cho những chiếc xe cổ của xứ sở xì gà? Có thể tưởng tượng ra một số kịch bản như thế này: Một là chúng sẽ được bỏ lại đâu đó trong những bãi rác xe hơi, hoặc bỏ quên đến mục nát trong các nông trại trồng mía, chuồng gia súc; hai là được hóa kiếp thành thép xây dựng trong những lò luyện thép; ba là một tương lai sáng lạn hơn, chúng sẽ được những nhà sưu tập “thính mùi tiền” từ Mỹ sang thu gom và đóng thùng mang về nước, tân trang phục chế và bán lại tại các phiên đấu giá với mức giá mà đủ để người Cuba mua cả chục chiếc xe mới.