Oái ăm chuyện mua sắm xe cổ Cuba

Trong mắt dân du lịch, hình ảnh những chiếc xe cổ chạy bon bon trên đường phố La Habana, lẫn vào không gian của các quán bar lá cọ, các cô nàng latinh căng nhựa sống, uốn mình, lắc hông theo điệu samba trong ánh hoàng hôn quanh bãi biển hoang sơ thật thú vị. Nhưng sự thực là với dân Cuba, vẻ đẹp cổ điển đó đang làm họ phát chán. Còn với du khách để sắm được xe cổ, lại chỉ có 1 cách duy nhất.. là lấy vợ Cuba! Chuyện oái ăm này đã tồn tại bao lâu nay, nhưng có thể tới đây khi cái sự bình thường hóa quan hệ với Mỹ mà tốt đẹp. Có lẽ không cần phải lấy vợ nữa!?

Nghĩ tới Cuba, du khách thường luôn mơ tới cảnh được dạo quanh những bãi biển thật đẹp, hoang sơ và đầy nắng, gió. Đi dọc bờ biển ngắm các cô gái, chàng trai mình trần rám nắng đang uốn mình, lắc hông theo tiếng nhạc salsa trong ánh hoàng hôn nhiệt đới. Và vi vu trên những chiếc xe hơi cổ từ những năm 40 của thế kỉ trước. Những chiếc xe mà phần lớn giờ đang nằm chễm chệ trong bảo tàng, dưới ánh đèn rực rỡ, trong vòng đai bảo vệ “cấm sờ vào hiện vật”… Đó là hình ảnh du lịch đặc trưng của đất nước này.
 
 
 
 
Vậy mà ở Cuba, những “hiện vật” đó vẫn cứ đang chạy nhơn nhơn ngoài phố. Mà chủ nhân chẳng phải đại gia, toàn dân “đen” đa số rất nghèo và xe cổ với họ là con “ngựa” già để mưu sinh, chứ chẳng mỹ miều gì! Rồi sau một chuyến lang thang qua đất nước của Chê và Fidel, thăm quê hương của mía đường và dĩ nhiên cả xì gà, mới thấy tại sao Cuba nghèo mà lại chơi sang đến vậy! Chuyện xe cổ nhan nhản ở Cuba ra là có nguyên do của nó.
 
Trong thời gian trước năm 1959, khi Cuba còn gắn liền với Mỹ thì những chiếc xe hơi tại đây tất tật đều là xe Mỹ. Đa phần là những chiếc xe hiệu Pontiac Starchier, Canadian Plymouth, Chevy Bel Air, Dodge, Ford, Fairlane hay Oldsmobile… Những chiếc xe nổi tiếng một thời với kiểu dáng cổ điển mỹ miều, đại diện cho cả một thời vàng son của thế giới xe hơi. Khoảng 150.000 chiếc ôtô cổ đã tồn tại ở đây. Cho đến thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Cuba 1959, nhà nước XHCN đầu tiên tại Châu Mỹ được khai sinh. Cũng đồng nghĩa với việc khai tử chuyện xe cộ và tư hữu!
 
 
 
 
 
Từ khi rơi vào thế cô lập ngặt nghèo vì cấm vận thương mại gắt gao đến tận ngày nay..., ôtô trở thành món đồ xa xỉ, không nhập không xuất, không mua đi bán lại, không đồ đạc thay thế… Nên xe hơi được chăm sóc đặc biệt từ đó đến nay. Thậm chí nó không còn là một sản phẩm cơ khí, nó trở thành một thành viên trong gia đình. Nếu xe mà “chết” không thể chạy được nữa... nó chỉ có một kết cục là đắp chiếu trong sân cất đi. Cũng chẳng bán được, dù là sắt vụn!
  
Theo thống kê của Richard (tác giả của cuốn sách duy nhất viết về lịch sử xe hơi ở Cuba), hiện xe hơi tại đây gồm có tới 25% là xe từ thập niên 40, và 25% từ thập niên 30... và ngạc nhiên là chúng vẫn còn chạy được! Các thương hiệu như Chevrolet, Ford, Cadillac, Buick, Plymouth, Chrysler, Dodge, Willy's, Oldsmobile và De Soto… chạy khắp nơi, đa phần là chỗ gỉ sét còn nhiều hơn chỗ còn có sơn. Gầm cao gầm thấp vì dùng lốp sai cỡ nhưng chúng vẫn chạy!
 
 
 
 
 
 
 
Hỏi chuyện một tay tài xế xe bus có tên Pedro Cantero về chiếc xe Lada cũ mầu xanh lá (xe Liên Xô) của ông. Pedro nói đó là chiếc xe được thừa kế từ cha mình – mà năm 1980 ông cụ này được cho phép “mua” vì đã có thành tích thi đua xuất sắc trong phong trào “cắt mía” ở nông trang. Vậy mà Pedro nói, giờ nó cũng có giá... 10.000 USD.
 
Ôtô cổ ở Cuba đặc biệt vì nó được truyền từ đời bố sang đời con. Bởi theo luật là cấm mua bán xe hơi, đã “trót” có xe thì cứ thế mà dùng! Tất nhiên, vẫn có thị trường chợ đen để lách luật. Đã có trường hợp một chiếc xe Honda Civic đời 2005, chạy được 10 vạn, qua nhiều khâu “phù phép” đến với người mua cuối. Đã có mức giá không tin nổi là 65.000 USD. Những tay “phe phẩy” chợ đen vẫn biết cách lách luật để mua được giấy phép sở hữu xe cho những ai chịu chi tiền.
 
Dù chủ xe có cố gắng giữ gìn thế nào, do xe vẫn chạy hàng ngày nên khó tránh được hỏng hóc. Nên chuyện chắp vá là thường, vô lăng được làm bằng gỗ, nắp trục bánh làm bằng nắp can nhôm, cửa sổ được thay bằng những tấm nhựa, động cơ nguyên bản được thay bằng động cơ Hyundai, Toyota cũ... là chuyện thường.
 
 
 
Và cho dù nhiều chủ xe đã cố gắng chăm chút đánh bóng sơn xe, để nhận lấy sự trầm trồ và thán phục của du khách thuê xe, ngắm xe. Còn trên thực tế dân tình họ cũng chán lắm rồi với những “bà già” đó. Dẫu người nước ngoài có thể coi hình ảnh xe cổ nối từng hàng trên phố Cuba là lãng mạn, nhưng khi hỏi chuyện, đa phần nhiều người bày tỏ sẽ rất mừng nếu được lái một chiếc ôtô mới hơn.
 
 
 
 
Hiện nay dân Cuba cũng đã dễ thở hơn chút với việc nhà nước đã bãi bỏ các quy định cấm mua bán tự do ôtô đăng ký sau năm 1959. Mỗi cá nhân đã được quyền mua bán đứng tên sở hữu hơn 1 chiếc xe, bất kể là phiên bản năm nào. Nhưng đó vẫn chỉ là với riêng công dân Cuba, còn người nước ngoài thì vẫn chưa được mua xe của họ. Trừ khi bạn chấp nhận lách luật bằng cách “cưới” một cô vợ Cuba! Tất nhiên nếu làm được điều đó, thì đúng là nhân đôi giấc mơ.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn