Ngày này năm xưa (ngày 23/4/1987): Lamborghini bán mình cho Chrysler
Nhắc đến những siêu xe uy lực và hiện đại nhất thế giới, người ta không thể bỏ qua Lamborghini, một trong những ông lớn trong lĩnh vực này với hàng loạt mẫu xe in đậm dấu ấn thiết kế và công nghệ hàng đầu trong lịch sử ngành sản xuất xe hơi. Không có lịch sử lâu đời như một số hãng xe khác (Lamborghini thành lập năm 1963) song hầu hết mẫu xe Lamborghini đưa ra thị trường là những tuyệt phẩm đáng ao ước đối với giới hâm mộ xe hơi nói chung và siêu xe nói riêng, đồng thời cũng nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn.
Thành công trong thiết kế xe nhưng số phận của Lamborghini lại hết sức long đong. Trong lịch sử phát triển kéo dài 55 năm (tính từ năm 1963 đến thời điểm hiện tại), Lamborghini đã bị mua đi bán lại tới 6 lần và không phải mọi chủ nhân từng mua hãng xe “siêu bò” đều là “người trong nghề”. Điều kỳ lạ và có thể coi như một may mắn của Lamborghini là trong suốt quá trình bể dâu chìm nổi ấy, tài sản quý giá nhất của thương hiệu siêu xe nước Ý không hề hư hao mất mát. Các kỹ sư và đội ngũ thiết kế của Lamborghini vẫn tiếp tục cho ra đời những mẫu xe đỉnh nhất thế giới, bất chấp việc hãng xe này phải gả bán cho nhiều đối tác khác nhau.
Kể từ khi thành lập vào năm 1963, Lamborghini đã phát triển rất mạnh mẽ trong thập kỷ hoạt động đầu tiên của mình. Năm 1969, chiếc Miura P400S của Lamborghini trang bị động cơ V12 có công suất lên tới 370 mã lực và là chiếc xe mạnh nhất thế giới ở thời điểm đó. Tuy nhiên phải tới năm 1971, Lamborghini mới thực sự chinh phục giới hâm mộ xe hơi trên toàn thế giới khi cho ra đời mẫu xe huyền thoại Countach, được giới thiệu lần đầu tiên tại Geneva Motor Show 1971 dưới dạng xe concept trước khi chính thức sản xuất vào năm 1974. Ngành thiết kế xe hơi thế giới khi ấy đã phải trầm trồ trước một mẫu xe hình nêm được tạo hình từ các bề mặt phẳng, rất góc cạnh, thân xe rộng và thấp nhưng không dài. Thiết kế cửa cắt kéo dù không do Lamborghini phát minh nhưng lần đầu tiên sử dụng rộng rãi ở một siêu xe thương mại là Countach và trở thành đặc điểm nhận dạng cho những “siêu bò” hàng đầu về sau này của hãng xe nước Ý. Điểm đáng chú ý là khi bắt đầu sản xuất Countach (năm 1974), Lamborghini đã bị bán cho các nhà đầu tư Thụy Sĩ từ một năm trước đó do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973. Những nhà đầu tư này, vốn không phải là nhà sản xuất xe hơi, sau đó đã bán lại Lamborghini cho anh em nhà Mimran – một nhóm cổ đông chuyên về ngành thực phẩm – vào năm 1981 với giá 3 triệu USD.
Ngày 23/4/1987, Patrick Mimran – CEO của Lamborghini đặt bút ký bản hợp đồng trị giá 25 triệu USD với nội dung bán toàn bộ 100% cổ phần của Lamborghini cho hãng xe Chrysler nước Mỹ. Số tiền ấy tương đương với giá của khoảng 5,5 chiếc Lamborghini Veneno Roadster theo thời giá ngày nay, còn theo cách tính của trang www.dollartimes.com thì có giá 25.000 USD năm 1987 tương đương với 55.774 USD năm 2018. Dưới thời của Mimran, Lamborghini đã không có bước phát triển nhảy vọt nào. Ngoài việc tiếp tục hưởng lợi từ doanh số bán chiếc Countach, Lamborghini chỉ giới thiệu hai mẫu xe mờ nhạt, chiếc Jalpa lắp động cơ V8 và mẫu SUV đầu tiên LM002 không thu hút được sự quan tâm của thị trường. Việc chào bán Lamborghini của Mimran Group đã lập tức khiến Lee Iacocca, CEO của Chrysler chú ý và quyết định mua bằng được Lamborghini. Bởi vào thời điểm đó, Chrysler cho rằng mối liên kết với một thương hiệu châu Âu giá cao có thể mang lại cho hãng xe Mỹ uy tín về dòng xe sang ở thị trường châu Âu, nơi từ lâu Chrysler chỉ có chỗ đứng khá khiêm tốn. Trước hơn 300 kỹ sư và công nhân của Lamborghini, Chủ tịch Chrysler Motors lúc ấy là Gerald Greenwald đã trịnh trọng tuyên bố rằng Chrysler “trên hết muốn duy trì truyền thống và tính toàn vẹn vốn là nền tảng gốc rễ của Lamborghini”.
Chrysler quả là đã chứng tỏ thiện chí của mình khi đầu tư thêm khoản tiền trên 50 triệu USD vào Lamborghini – gấp đôi số tiền mua hãng xe này từ tay Mimran Group. Nhờ tiền đầu tư của Chrysler, Lamborghini đã cho ra thị trường chiếc Diablo – mẫu xe thay thế cho chiếc Countach và là chiếc xe nhanh nhất thế giới năm 1987 với vận tốc tối đa 320 km/giờ. Dù vậy Chrysler rõ ràng đã không hiểu một cách sâu sắc về giá trị thương hiệu của Lamborghini khi không giữ lời về việc duy trì truyền thống và tính toàn vẹn cho thương hiệu “siêu bò”.
Mẫu Lamborghini Portifino 4 cửa được giới thiệu tại triển lãm Frankfurt Motor Show vào tháng 9 năm 1987 được phát triển từ một thiết kế đất sét của Chrysler có tên là Navajo trên cơ sở khung gầm của chiếc Jalpa, với thân dài, nhiều nét vê tròn thay vì góc cạnh. Nó là một mẫu thiết kế hoàn toàn đối nghịch với chiếc Countach và ngay cả Bob Lutz, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chrysler rốt cuộc đã không chấp nhận phát triển mẫu Portifino kỳ lạ này.
Trong khi loay hoay với việc phát triển Lamborghini sao cho phù hợp với văn hóa Chrysler, hãng xe Mỹ đã không hề để ý một mẫu xe khác, chiếc P140 – một chiếc xe nguyên mẫu được xây dựng cũng vào năm 1987. Đó là một mẫu xe nhỏ màu trắng lắp động cơ V10 dung tích 4,0 lít, cho công suất 370 mã lực. Mãi về sau này, những lãnh đạo của Chrysler đã cay đắng thừa nhận trong suốt thời gian gá nghĩa với Lamborghini (từ 1987 đến 1993), hãng xe Mỹ đã không hiểu rằng tất cả những gì mà Lamborghini cần nhất khi ấy chỉ là một mô hình có mức chi phí hợp lý hơn. Chiếc P140, theo nghĩa đó, chính là tiền thân của mẫu Lamborghini Gallardo, mẫu xe thành công nhất trong lịch sử hãng siêu xe nước Ý với hơn 14.000 chiếc được bán ra trên toàn cầu. Vinh quang của Gallardo chẳng những được tính công cho Audi – bộ phận quản lý trực tiếp của Lamborghini sau khi Volkswagen mua lại Lamborghini từ các nhà đầu tư Malaysia và Indonesia, mà trên thực tế đáng lẽ chiếc Gallardo được ra đời từ sớm hơn rất nhiều, dưới thời của Chrysler.
Năm 1994, thất vọng vì sự khai thác kém cỏi thương hiệu Lamborghini, Chrysler đã bán hãng xe Ý cho Mycom (Malaysia) và V.Power (Indonesia), chấm dứt giấc mơ tạo dấu ấn về những mẫu xe sang hiệu năng cao lai tạo giữa hai nền văn hóa Âu – Mỹ của Chrysler.