Cước phí taxi Việt Nam cao đến đâu!?

Mặc dù có thu nhập không cao so với các nước trong khu vực song phí vận tải, cước taxi của Việt Nam lại luôn ở top cao nhất. Dường như người tiêu dùng Việt dường như đang chịu thiệt thòi khi phải mua ô tô với giá cắt cổ đi kèm các dịch vụ vận tải giá chat.

Cước phí taxi Việt Nam quá cao
 
Đã từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn bị đánh giá là thị trường có giá xe hơi ở mức cao so với thế giới. Lý do được cho là do mỗi chiếc ô tô phải chở quá nhiều phí, thuế và nhiều chi phí khác. Việc tậu một chiếc xế riêng cho gia đình vẫn còn là ao ước của số đông người dân. Trong khi đó, dịch vụ vận tải công cộng vẫn chỉ đang phát triển ở mức sơ khai, cước phí vận chuyển thì bất ổn định, do chịu quá nhiều tác động như cơ chế kinh doanh, chính sách hoạt động và cả các loại phí và phụ phí khác.
 
Việt Nam luôn kêu gọi người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm ô nhiễm, ùn tắc và xây dựng đô thị văn minh, song hạ tầng cơ sở còn kém, hệ thống xe buýt còn yếu, dịch vụ xe khách thì luôn trong tình trạng tự phát thiếu kiểm soát. Loại hình taxi thì luôn được coi là dịch vụ “vận chuyển giá cao” vì cước phí khá lớn so với thu nhập chung của cộng đồng bởi các doanh nghiệp biện minh rằng thế mới đủ so với các chi phí bỏ ra và giá xăng quá cao. Tuy nhiên, sau nhiều lần giá xăng dầu giảm, các hãng taxi vẫn không muốn hạ cước, dù Bộ Tài chính đã ra văn bản yêu cầu điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với thị trường.
 
Cước phí taxi Việt Nam cao đến đâu!?_ảnh 2
Đi Taxi ở Việt Nam cho tới giờ vẫn có gì đó ra vẻ thượng lưu tôn quý!?
 
Theo NLĐ, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các lý do của doanh nghiệp trong việc chậm trễ giảm giá cước như việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém, bổ sung dịch vụ để bù vào… là không thuyết phục. Bởi khi tăng giá cước, việc cài lại đồng hồ luôn kịp thời. Người tiêu dùng Việt đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải cao hiện nay.
 
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang phải chịu chi phí vận chuyển cao nhất. Tại nước có chi phí sinh hoạt cao nhất Đông Nam Á như Singapore giá cước taxi chỉ có 8.700 đồng/km, cũng chỉ bằng một nửa giá cước trên mỗi km ở Việt Nam (song nếu tính riêng km đầu tiên mở cửa ở Singapore thì là 50.000 đồng). Cước taxi đã góp phần giúp chi phí vận tải của dân Singapore duy trì được ở mức vừa phải là 15% tổng chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nếu so với Thái Lan thì cước taxi tại Việt Nam còn đắt đỏ hơn khi mỗi km hành khách chỉ tốn 5.000 đồng khiến chi phí vận tải cũng chỉ chiếm 13,2% tổng chi phí sinh hoạt của người Thái. Tương tự, vận tải cũng chỉ chiếm 12,6% tổng chi phí sinh hoạt ở nước láng giếng Lào; 14,3% ở Indonesia.
 
Cước phí taxi Việt Nam cao đến đâu!? ảnh 3
Taxi Thái chạy bằng ga hóa lỏng nên cước rất rẻ và phổ biến còn hơn cả xe ôm
 
Việc quốc gia nào phải chịu phí vận tải với mức cao luôn khiến sức cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ thấp hơn các nước khác trên thị trường quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải chịu nhiều thiệt hại cạnh tranh về giá do cước vận tải cao. Ông Lê Văn Ngãi, giám đốc công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Hà tại TP.HCM đã chỉ ra trên Tuổi trẻ rằng chính chi phí  vận tải và hậu cần của Việt Nam ở khoảng trên 20% trong khi đó mức của thế giới chỉ có 13% đã tạo nên sự khác biệt lớn. Ông nhận định “Đây là chuyện rất nghiêm trọng bởi chi phí như vậy khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh  với doanh nghiệp toàn cầu trên trường quốc tế. Mỗi một kiện hàng ra tới thị trường quốc tế phải đi qua biết bao chặng đường và gánh chi phí đáng kể từ cước vận tải nên chỉ cần cước Việt Nam nhỉnh hơn các nước đã đủ khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh ngay lập tức”.
 
Cước phí taxi Việt Nam cao đến đâu!? ảnh 4
 
Bên cạnh đó, việc chi phí đi lại cao kéo theo giá nhiều loại hàng hóa bày bán trong nước tăng cao cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới du lịch. Việc cước taxi tại Thái Lan rẻ nhất Đông Nam Á cùng chi phí vận tải thấp khiến chi phí đi lại cũng như giá cả nhiều loại hàng hóa rẻ hơn đã góp phần thu hút khách du lịch và giúp nước này phát triển về ngành công nghiệp không khói dù bất ổn chính trị luôn xảy ra.