Bi hài chuyện chen lên xe buýt
Xe buýt là nơi bạn có thể thấy được một xã hội thu nhỏ, lúc đầy ắp tình người, lúc thảnh thơi, bình yên song nhiều phần là phải tranh giành, có khi thấy thất vọng, mệt mỏi… Nếu bạn không tin, có thể dấn bước lên những chuyến xe buýt giờ cao điểm vài lần hay cố tình thong dong bắt xe vào giờ ít người đi để dạo quanh thành phố sẽ rõ, mỗi ngày "niềm vui" bất đắc dĩ phải chọn của nhiều người là những "trận chiến" chen lấn và "tồn tại" trên xe buýt.
Tin liên quan:
Khi lên xe cũng là một trận chiến
Bốn năm học đại học tôi về quê, đi lại chủ yếu bằng xe buýt do không có điều kiện đi xe máy, trọ xa dùng xe đạp cũng khá tốn sức. Những chuyến xe lúc 6h45-7h30 sáng luôn đầy ắp người nhưng bản thân cũng phải cố bon chen, thậm chí đôi lần là xô đẩy nhau để có thể bước lên khoảng không gian 52 chỗ ấy. Lý do đơn giản là nếu chẳng làm vậy, ngồi đợi 30 phút nữa mới có chuyến xe sau thì tôi chắc chắn muộn học. Những người bắt xe cũng vậy, kẻ đi học, người thì đi làm… đủ lý do và ai ai cũng phải xô đẩy, chen lấn lên chiếc xe đó cho bằng được. Cũng bởi vậy, chỉ khi thấy bóng chiếc xe buýt cần lên từ xa thì ai cũng như đang ở tư thế chuẩn bị chiến đấu, chen tới gần phía bến hơn, thậm chí còn đứng sát tới độ khi chiếc xe phanh “két” trước mặt chợt thấy tóc tai dựng ngược vì gió thổi, ai cũng chỉ đợi chiếc cửa xe bật mở là ào ào xông lên như đánh trận với tinh thần quyết thắng.
Tôi đã từng đọc tâm sự của một bạn nam từ việc quen người yêu trên xe buýt là nhờ việc cô gái chen lên xe vội quá vấp ngã dúi về phía trước và bạn ấy nhanh nhẹn nắm tay kéo lại. Sau đó, bạn nam còn đẩy từ phía sau giúp cho bạn nữ lên được xe nhưng mình thì bị lỡ chuyến. Thường xuyên đi cùng tuyến xe và cùng giờ nên hai người đã gặp lại, quen biết, rồi yêu nhau. Một chuyện tình đẹp như trong phim Hàn. Vậy nên ai nói chen lên xe buýt chỉ có khổ sở nào, cũng có những lúc khởi đầu cho nhiều điều tốt đẹp lắm chứ!
Nhưng đâu phải lúc nào cũng gặp được người tử tế, hay có được sự lãng mạn ngọt ngào như vậy. Tôi cũng đã từng mong chờ một "chàng hiệp sĩ" tử tế ra tay "túm kịp" mình trong một lần bị xô đẩy, tôi đã bị ngã bổ nhào rất đau khi xuống xe buýt, nhưng chả thấy ai thèm xòe tay đỡ dậy hay hỏi thăm, thậm chí còn bị nghe tiếng cười ồ lên xung quanh. Tôi đành nén đau gượng dậy mà đi thật nhanh khỏi bến xe cho quên đi cảm giác xấu hổ. Đằng sau vẫn là những tiếng khúc khích cười. Quả thật, những câu chuyện đẹp khó lặp lại lần thứ hai.
Tuy nhiên, chuyện xô đẩy, ngã nhào vẫn còn là... nhẹ, cô bạn cùng lớp học của tôi có lần đã tới trường trong cảnh chân đất, chân dép khiến cả lớp cười nghiêng ngả. Nàng thì tội nghiệp, ấm ức kể khi chen lên xe bị ai đó dẫm nên “dép bay mất rồi”, mà chưa kịp tìm thì xe đã chạy mất. Hồi sinh viên chúng tôi có mốt tông lào, mà cái thứ dép cao su đó lại vô cùng trơn trượt. Kể từ khi đi xe buýt lâu năm, tự dưng tôi và những ai đã quen với các "trận chiến" trên xe đều bất chấp thời trang, dù đông hay hè, cũng chọn giày thể thao hay xăng đan đế mềm quai chắc để tiện đi bộ và chen lên xuống xe cũng chẳng lo lâm vào cảnh “mất dép, tụt giày”.
Sau này, chuyển nhà trọ tới gần trục đường chính, thường xuyên có 3 chuyến xe buýt đi qua trường,việc chen lên xe của tôi cũng có phần đỡ mệt mỏi hơn bởi sau chuyến xe này có thể 5-10 phút sau có ngay vài chuyến khác. Tuy vậy, khi đã sát giờ học hay có việc thì tinh thần “chiến đấu” để bước lên bằng được xe buýt vẫn không suy giảm chút nào.
“Chen lên rồi lại bị đuổi xuống” ấm ức này ai thấu cho đây?
Nhiều bạn sinh viên từ quê mang đồ với cả tải to, túi lớn thì chuyện chen lên lại bị đuổi xuống trên xe cũng chả hiếm hoi. Năm thứ nhất, mẹ cẩn thận gò cho tôi 1 chiếc hòm tôn vô cùng chắc chắn, giẫm đạp lên cũng không hư hỏng như những chiếc hòm mỏng vẹt bán ngoài Hà Nội để phòng… trộm (thật ra đã có trộm thì khéo hòm cũng bị bê). Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn, khệ nệ bê nó theo trong hành trình đi ra nhà trọ, bắt xe buýt từ quê ra thì không sao nhưng tới khi lên chuyến buýt nội thành thì tôi đã bị 3 lần đuổi xuống. Giờ cao điểm, cái hòm của tôi đủ cho 2 người đứng rồi, bị đuổi cũng phải, cuối cùng đành cắn răng, cắn lợi xa xỉ thuê xe ôm. Tiền xe ôm 1 cuốc bằng 5 bữa ăn trưa, ăn tối của tôi trong một tuần (hồi đó là 5.000 đồng/suất) khiến tôi vừa ấm ức với cái hòm, vừa ấm ức với mấy anh/ bác phụ xe, vừa ấm ức với tính cẩn thận của mẹ. Một lần khác, vào năm học thứ ba, mẹ xếp cho tôi cả 1 vali lớn toàn rau củ, hoa quả, đồ ăn nấu sẵn… chẳng ngoài dự liệu, vừa thấy tôi bước lên xe anh phụ xe đã chỉ tay quát lớn “không được lên” nên lần đó cũng lại xa xỉ “thuê xe ôm” để về phòng nhưng ấm ức thì ít đi nhiều lắm. Quen rồi mà.
Đôi khi, thay vì vào giờ cao điểm, tôi cũng may mắn được đi trên những chuyến xe chỉ có đôi ba người, thậm chí chỉ có tôi, bác tài và anh phụ xe. Chậm rãi thư thái bước lên xe, tự dưng thấy cuộc sống xung quanh sao yên bình tới lạ. Đôi lúc hạnh phúc nhỏ bé lắm, chỉ đơn giản là việc bạn lên được đúng chuyến xe mong muốn và đi làm, đi học chẳng bị muộn giờ.
Vậy đó, vào mỗi giờ cao điểm những chuyến xe buýt vẫn đầy ắp người túa đi đủ nơi trong thành phố mang theo cả sự vui vẻ, ấm áp, hay ấm ức, bực dọc, cay cú trong mỗi người chỉ bởi việc… bước được lên xe. Hành trình "chiến đấu" trên xe buýt vẫn chưa hết bởi vẫn còn vô số những bi, hài chuyện khác khi bạn đã có mặt trong "chuyến xe bão táp" như việc bị kẻ gian hỏi thăm- kinh nghiệm đối phó, bị trêu chọc trên xe, nhường xe bus… sẽ được bật mí vào những kỳ tới trên SốngMới.