Mẹo tránh phiền toái do bugi xe máy bị hỏng
Một trong những hỏng hóc thường gặp nhất đối với người lái xe máy là động cơ ngừng hoạt động do hỏng bộ phận đánh lửa (bugi) khi xe vào đường ngập nước lúc triều cường, trời mưa. Chủ xe phải tốn tiền cho những người cơ hội nhảy ra “lau bugi” hoặc phải mệt mỏi dắt xe một quãng đường dài, mất nhiều thời gian để về đến nhà. Chỉ cần thực hiện một số lưu ý sau đây, chủ xe dễ dàng tránh được những thiệt hại liên quan bugi.
Việc quan trọng đầu tiên là chọn mua bugi hàng thật. Thị trường hiện tràn lan các loại bugi giả các thương hiệu nổi tiếng hoặc bugi kém chất lượng. Việc sử dụng bugi giả có thể gây hỏng động cơ, biến dạng piston, chảy điện cực bugi… Vì vậy nên chú ý các chi tiết để chọn đúng bugi chính hãng chất lượng cao, có tên thương hiệu được in sắc sảo; bột niêm phong giữa phần sứ và vỏ kim loại; phần sứ cách điện được gắn khít và thẳng vào vỏ kim loại; bốn ký tự dập nổi trên phần lục giác kim loại; vỏ kim loại mạ kẽm chống mòn và chống bám bẩn; ren/răng đều đặn và sắc sảo; vòng lót kim loại được siết chặt chẽ; mũi sứ cách điện màu trắng sứ (không vết mẻ, trầy xước).
Nhằm tránh bugi hỏng khiến xe “chết” máy dọc đường, ảnh hưởng công việc, chủ xe nên thay bugi định kỳ 8.000km hoặc sau 1 năm sử dụng (tùy điều kiện nào đến trước hoặc tùy tình trạng sử dụng xe). Ưu tiên chọn bugi có đầu điện cực trung tâm làm từ bạch kim hoặc Iridium có khả năng chịu nhiệt vượt trội, tăng khả năng đánh lửa, xe khởi động dễ dàng hơn, tăng tốc nhanh hơn, động cơ đốt cháy hoàn toàn hỗn hợp nhiên liệu hơn (góp phần tiết kiệm nhiên liệu), khai thác triệt để sức mạnh động cơ giúp xe đạt hiệu suất hoạt động cao hơn với cùng thời gian sử dụng, tương thích với các loại động cơ công nghệ cao... Thay bugi định kỳ còn giảm tác hại môi trường (bugi kém chất lượng sẽ khiến xe thải nhiều khí độc hại hơn). Mẹo để nhớ thay bugi định kỳ là mỗi lần thay nhớt máy thì kiểm tra bugi và thay thế khi bugi mòn điện cực, bugi bị quá nhiệt, phần sứ bị nứt/mẻ; hoặc chùi sạch nếu bugi bám muội/cặn/nhớt.
Kỹ sư của NGK Nhật Bản hướng dẫn: Trong cốp xe nên có sẵn tuốc-nơ-vít, tròng 17 và mỏ lết 14 để tháo yếm xe, các lớp vỏ nhựa thân xe, tháo bugi trong hốc máy. Khi chẳng may lái xe vào đường ngập nước, không cố gắng nổ máy trở lại khi xe bị tắt máy. Đẩy xe lên chỗ cao ráo, chọn nơi hơi dốc càng tốt. Dựng xe trên chống giữa, ấn đuôi xe để nước chảy khỏi ống pô. Tháo nắp chụp bugi và bugi khỏi xe.
Lưu ý bugi thường nằm bên phải lốc máy (đối với xe số)
Và bên trái lốc máy (đối với xe tay ga)
Đạp cần khởi động hoặc ấn nút đề nhằm đẩy nước trong động cơ ra. Lau khô bugi và nắp chụp. Lắp bugi vào nắp chụp, kề vỏ bugi sát thân máy, vừa nổ máy vừa quan sát tia lửa điện. Nếu tia lửa phóng đều và mạnh thì bugi còn dùng tiếp được. Nếu tia lửa phóng nhỏ và tỏa ra xung quanh thì phải thay bugi mới. Cuối cùng, lắp bugi và nắp chụp bugi vào động cơ rồi nổ máy.
Ngoài ra, người đi xe máy có thể tận dụng ưu đãi từ chương trình lắp đặt “cây ATM Bugi” (cung cấp bugi miễn phí) của công ty NGK Việt Nam trên các tuyến đường thường xuyên ngập nước. Bên cạnh đó, công ty NGK Việt Nam tiếp tục huy động sự hỗ trợ của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) phối hợp các nhóm thiện nguyện sửa xe sẽ giúp người dân khởi động lại xe khi bugi hỏng.