Lưu ý khi sử dụng phanh ABS gắn thêm
Thực nghiệm phanh thử ABS lắp thêm cho các loại xe ga và xe số tại Việt Nam cho thấy người lái không bị ngã xe khi phanh gấp trên đường trơn. Tuy nhiên, mọi người cần biết một số điều để tránh lỗi đáng tiếc khi sử dụng phanh này.
Thói quen quan sát đèn báo hiệu ABS
Đầu tiên cần nhớ, người lái xe duy trì thói quen sau khi mở khóa khởi động, đề máy xe là nhìn vào đèn báo tình trạng vận hành của ABS (chi tiết thường gắn bổ sung tại đồng hồ công-tơ-mét).
Khi ABS hoạt động tốt, xe chạy khoảng vài mét thì đèn sẽ tắt. Nếu xe chạy khoảng 8 - 10m nhưng đèn ABS vẫn sáng nhấp nháy thì xác định phanh ABS lắp thêm bị lỗi. Lúc này tính năng ABS bị vô hiệu hóa nhưng tính năng hãm tốc của phanh nguyên bản vẫn hoạt động bình thường. Người lái có thể tiếp tục chạy xe và phanh theo cách thông thường, sau đó đem xe đến garage, thợ sẽ căn cứ vào nhịp nhấp nháy của đèn ABS để tìm ra ABS bị lỗi gì và khắc phục.
Trong thời hạn bảo hành thì việc sửa chữa là hoàn toàn miễn phí. Thời gian sửa chữa khá lâu, từ 8 - 10 tiếng đồng hồ vì nhóm thợ sau khi khắc phục lỗi ABS phải lái xe kết hợp phanh thử thực tế nhiều lần rồi mới giao xe cho khách.
Tập bóp phanh sao cho kích hoạt ABS
Khi gặp tình huống nguy hiểm bất ngờ thì phản xạ hầu như người lái xe máy nào cũng giật mình bóp cứng phanh ngay lập tức. Cần tiếp tục giữ tối đa lực tác động phanh cho đến khi xe dừng theo ý muốn.
Tuy vậy, xe chạy tốc độ từ 10km/h trở lên thì ABS mới kích hoạt khi phanh gấp. Bên cạnh đó, nếu phanh bình thường, bóp nhẹ tay phanh, đạp mũi chân chưa đủ lực mạnh mẽ thì ABS sẽ không hoạt động.
Khi xe chạy vận tốc 30km/h nếu phanh thật mạnh thì người lái sẽ cảm nhận được bánh xe có một sự lặp lại trình tự “dừng và lăn bánh” liên tiếp, cảm giác bánh xe lăn giật cục và tiếng lốp mài “kít... kít...” trên mặt đường. Đồng thời càng bóp phanh hoặc bàn đạp phanh chân có cảm giác rung rung “lỏng lẻo” nhưng thật ra là ABS đang phát huy tác dụng.
Phanh ABS giữ thân xe thăng bằng ổn định trong quá trình phanh, giúp tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc thường thấy trên đường hiện nay do hoảng hốt phanh gấp khi gặp người đi bộ băng sang đường không đúng nơi quy định, xe trong hẻm phóng nhanh lấn làn ra đường lớn, người chạy phía trước đột ngột chuyển hướng xe mà không bật đèn xi-nhan... khiến người chạy xe sau ngã vào xe lớn di chuyển kề bên.
Mặt khác, phanh giúp rút ngắn quãng đường phanh so với phanh thông thường. Kỹ thuật viên đã lái xe số, phanh thử ABS ở tốc độ 95km/h thì xe dừng sau 15 - 20m.
Kiểm tra vị trí mắt đọc ABS sau khi tháo bánh xe
Trường hợp thợ tháo bánh xe (để thay lốp xe thủng chẳng hạn) sau đó lắp lại thì có thể bị lệch mắt đọc với rãnh lưới của đĩa trung chuyển (được gắn kẹp vào đĩa phanh gin).
Do đó cần quan sát kiểm tra mắt đọc đặt đúng vị trí với rãnh lưới. Khe hở giữa mắt đọc với rãnh lưới là dưới 1mm, đồng thời mắt đọc phải gắn đúng phạm vi rãnh lưới.
Ngoài ra, tùy theo loại xe, đời xe... thợ có thể chế thêm thanh nẹp nhằm cố định mắt đọc vào phuộc xe. Lưu ý thanh nẹp này phải gọn gàng và được siết ốc vít chắc chắn.
Thợ máy trưởng Dương Vũ Khánh Thiện (cửa hàng sửa xe Tân Thành Dũng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: Việc lắp đặt ABS đòi hỏi phải có hệ thống máy đo, dụng cụ chuyên nghiệp và thợ được đào tạo nắm được sơ đồ mạch điện trên xe, rà soát các thông số gồm tốc độ vòng tua máy, mô-men xoắn, thông số lốp, kích cỡ vành bánh xe... phù hợp với cấu hình cài đặt trên bộ ECU, nên người tự mua ABS lắp ở nhà dễ dẫn đến ABS không hoạt động. Sau khi sửa lỗi của phanh ABS lắp sẵn trên xe chính hãng, thợ máy lưu ý nếu mua bộ phụ kiện ABS của hãng thì chỉ lắp được cho chính loại xe mà hãng đó có thiết kế phanh ABS, chứ không thể dùng rộng rãi cho các loại xe khác.
Anh Hồ Trung Kiên - một chuyên viên kỹ thuật phụ trách việc chuyển giao kỹ thuật lắp ráp và bảo hành, sửa chữa hệ thống phanh ABS lắp thêm cho các cửa hàng sửa xe máy - cho biết: Phụ kiện phanh ABS “hai kênh” (ABS cho bánh trước và bánh sau của xe máy các loại) được chính tay anh tháo rời kiểm tra chất lượng linh kiện bên trong, tiêu biểu là bạc đạn, bo mạch... của hãng sản xuất Nhật Bản, tìm hiểu uy tín của nhà cung cấp hàng từ nước ngoài để bảo đảm tung ra thị trường Việt Nam sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, vận hành an toàn cho người sử dụng. Do kết cấu của trọn bộ linh kiện phanh ABS phức tạp tinh vi hiện đại nên theo anh và nhóm đối tác tìm hiểu thì tại Việt Nam chưa xuất hiện phanh ABS hàng giả, hàng nhái...
Thử nghiệm dùng nước xà phòng, nước rửa chén phun trên mặt đường nhựa, đường rải đá dăm, phủ cát... sau đó chạy xe máy có gắn thêm hệ thống phanh ABS và bóp phanh để kiểm tra khả năng hoạt động của ABS, thợ gắn phanh ABS đánh giá phụ kiện này rất hữu ích cho cả tay lái “cứng cựa” chứ không riêng gì các tay lái nữ “chân yếu tay mềm”.
Từ đầu tháng 9/2017, anh Kiên đã đưa ra thị trường phía Nam sản phẩm ABS “hai kênh” hàng nhập nguyên bộ, với giá trọn bộ (kể cả chi phí lắp đặt) là 10 triệu đồng. Thời gian bảo hành một năm. Nếu người tiêu dùng chọn lắp phụ kiện ABS chỉ trên một bánh xe thì giá là 9,5 triệu đồng.
Anh giải thích: “Giá bán không giảm đáng kể dù khách hàng chỉ lắp ABS trên đĩa phanh trước là do cấu hình đóng gói tiêu chuẩn của một bộ phụ kiện ABS gắn thêm đã bao gồm bộ điều khiển điện tử ECU cho hai mắt đọc, nên mức giảm 500 nghìn đồng chủ yếu là giảm tiền công thợ, chứ không thể giảm giá phụ kiện ABS.”
Phanh ABS lắp thêm dễ dàng gắn cho môtô phân khối lớn và môtô độ.
Phụ kiện phanh ABS lắp thêm tương thích với tất cả xe máy có đĩa phanh, không phân biệt xe số hay xe ga, xe đắt tiền hay rẻ tiền. Phanh không ảnh hưởng hệ thống điện chính của xe, không hao bình, không cần phải thay đổi bình ắc-quy, cầu chì... Bộ điều khiển ECU và tất cả chi tiết của cụm phanh đều được thiết kế chống nước ở cấp độ cao, do đó yên tâm rửa xe dưới vòi nước áp lực cao.