Các trang bị an toàn không thể thiếu trên ôtô

Công nghệ điện tử và hỗ trợ lái xe an toàn ngày càng được phát triển rộng rãi trên các mẫu xe ô tô hiện đại nhằm giúp giảm thiểu tối đa tai nạn và giảm thiểu nguy cơ chấn thương. Nhưng không phải ai sử dụng ô tô cũng am hiểu về những tính năng an toàn này.

Hệ thống an toàn chủ động:
 
 
Hệ thống đèn chiếu sáng là hệ thống đèn chính, có nhiệm vụ chiếu sáng, ra tín hiệu và thông báo cho các xe xung quanh.
Đèn pha – cốt được đặt ở phần đầu xe, có nhiệm vụ chiếu sáng đường đi phía trước trong điều kiện trời tối, giúp người lái quan sát được các chướng ngại vật và tình trạng giao thông trên đường. Đèn cốt có nhiệm vụ chiếu gần, đèn pha chiếu ở khoảng cách xa
Đèn xi-nhan có nhiệm vụ thông báo cho những phương tiện đang lưu thông xung quanh biết được hướng người lái muốn đi. Ngoài ra, đèn này còn có chức năng cảnh báo nguy hiểm bằng cách nháy cả 2 bên, thông qua nút tam giác (Hazard) trên mặt táp-lô.
Đèn sương mù sẽ phát huy tác dụng tốt trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, sương mù,… làm giảm khả năng quan sát của người đối diện. Vị trí của đèn sương mù ở phần đầu xe và thường đặt dưới thấp hoặc cạnh đèn chiếu sáng.
Đèn hậu được đặt ở đuôi xe và quy định dùng màu đỏ, khi lưu thông bình thường thì đèn này sẽ sáng mờ, khi đạp phanh đèn này sẽ sáng hơn để cảnh báo cho người đi sau, giúp giảm thiểu va chạm
 
 
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-Break lock System):
Đây là tính năng an toàn quan trọng đã trở thành tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe. Hệ thống này sẽ rút ngắn quãng đường phanh, giúp người lái phan an toàn và chính xác hơn, đặc biệt trong trường hợp phanh gấp. Hệ thống ABS sẽ điều chỉnh lực phanh bằng cách ngắt nhả liên tục để duy trì độ bám đường của xe, hạn chế tình trạng phanh bị khóa cứng và gây trơn trượt, mất lái trên những đoạn đường có ma sát kém
 
 
Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD (Electronic Brakeforce Distribution):
Hầu hết các loại ôtô thông dụng đều có động cơ đặt phía trước nên bánh trước phải chịu tải trọng khá lớn. Hơn nữa, khi sử dụng phanh, do lực quán tính nên tải trọng trên bánh trước tăng lên và bánh sau lại giảm đi. Còn trong trường hợp vào cua, do lực ly tâm nên tải trọng tại 2 bánh phía trong, gần khúc cua hơn sẽ giảm đi và 2 bánh phía ngoài tăng lên.
Hệ thống EBD sẽ làm nhiệm vụ phân bổ lực phanh một cách hợp lý để luôn đảm bảo hiệu quả phanh và tránh tình trạng mất lái trong các trường hợp nói trên bằng cách tính toán tốc độ, tải trọng cũng như độ bám đường của từng bánh
 
 
Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp EBA (Emergency Brake Assist):
Một nghiên cứu của Mercedes-Benz tại Berlin phát hiện ra rằng hơn 90% tài xế đạp phanh không đủ lực khi gặp trường hợp khẩn cấp. Hệ thống EBA sinh ra để giải quyết vấn đề này bằng cách phát hiện tài xế có hành động phanh bất ngờ, sẽ bù thêm lực phanh giúp chiếc xe phanh hiệu quả hơn. Hệ thống này kết hợp với ABS và EBD sẽ luôn đảm bảo cho quá trình phanh diễn ra an toàn nhất ngay cả trên những địa hình đường xá trơn trượt.

 
Hệ thống cân bằng điện tử ESC (VSC,VSA hay DSC…)
Có thể nói đây là một hệ thống an toàn “cấp tổng”, bao quát các hệ thống an toàn trên với cấu tạo khá phức tạp, gồm 4 cảm biến tốc độ trên 4 bánh, cảm biến đo độ xoay của thân xe đặt chính giữa, cảm biến góc lái và một bộ điều khiển ECU tác động lên phanh. Nhiệm vụ chính của hệ thống ESC chính là giúp ổn định xe khi phanh, khi xe vào cua và ngay cả lúc xe mới khởi hành và tăng tốc bằng cách thiệp vào hệ thống phanh trên xe. Để tăng hiệu quả khi hoạt động, hệ thống ESP cũng sẽ tác động đến cả động cơ và hộp số.
 
Ngoài ra, tính năng này sẽ trợ giúp người lái trong tình huống gặp chướng ngại vật bất ngờ cần đánh lái gấp, cảm biến góc lái sẽ truyền tín hiệu đến bộ điều khiển cân bằng điện tử, cùng lúc đó cảm biến đo tốc độ xoay của xe cũng sẽ đo lường, tính toán xem góc lái đó có đủ làm cho xe chuyển hướng hay chưa. Trong tích tắc ESC tự phanh một bánh sau phía trong góc cua rất nhanh và mạnh tạo ra một mô-men quay làm cho xe nhanh chóng chuyển hướng theo ý muốn của người lái tránh được chướng ngại vật, hạn chế bị trượt bánh và mất lái.
 
Thiết bị an toàn thụ động:
 
 
Túi khí: Hệ thống túi sẽ được bung ra rất nhanh và được bơm đầy khí trong trường hợp có va chạm hay tai nạn xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa mức độ chấn thương cho người lái và hành khách. Túi khí trước có tác dụng giảm chấn thương cho vùng đầu, cổ, ngực và mặt. Túi khí gắn bên sườn xe chỉ hoạt động khi có va chạm bên sườn thân xe, làm nhiệm vụ bảo vệ đầu và vai tránh bị tổn thương. Tuy nhiên, túi khí sẽ không thể đảm bảo 100% an toàn cho người ngồi bên trong xe trước bất kỳ trường hợp tai nạn nào.
 
Dây an toàn: Tuy rất cơ bản nhưng dây an toàn rất quan trọng đối với người ngồi trong xe và là trang bị không thể thiếu trên bất cứ mẫu xe ôtô nào. Một dây an toàn tiêu chuẩn khi thắt sẽ tạo thành một đai ngang hông và một đai vắt chéo qua vai. Dây an toàn có tác dụng giữ hành khách không bị văng khỏi ghế hay ngã nhào về phía trước khi phanh gấp.
Ngoài những trang bị cơ bản trên, những mẫu xe đời mới hoặc cao cấp sẽ còn có các tính năng an toàn hiện đại hơn như hệ thống cảm biến quanh xe giúp cảnh báo điểm mù, cảnh báo va chạm trước, cảnh báo lệch làn đường, phát hiện người đi bộ,… hỗ trợ người lái giảm thiểu tối đa rủi ro khi tham gia giao thông.