9 lý do khiến xe bị giật khi tăng tốc

Có nhiều vấn đề gây hiện tượng xe “giật giật” khi đề pa hoặc bất ngờ tăng tốc khi đang chạy nhanh, mà thường thì thợ máy chuyên nghiệp hoặc người lái xe giàu kinh nghiệm sẽ phát hiện và chọn đúng hướng xử lý.

Tuy nhiên, ngay cả những tay lái mới cũng có thể nhận diện chính xác nguyên nhân gây cảm giác lái “khựng khựng” khi xe đột ngột tăng tốc, nếu ưu tiên kiểm tra những bộ phận trên xe như sau. Từ đó giảm tốn kém chi phí do sửa xe không đúng vị trí.

1. Hệ thống nhiên liệu bị hỏng

Nếu không được cung cấp nhiên liệu thích hợp, động cơ có thể gặp phải một loạt các vấn đề rắc rối, phổ biến nhất xoay quanh lỗi kim phun nhiên liệu hoặc thiếu áp suất đường dẫn nhiên liệu, làm giảm công suất động cơ, khiến xe tăng tốc thất thường. Bên cạnh đó, khi bộ phận bơm nhiên liệu sắp hỏng cũng có thể gây ra các vấn đề tương tự.

Hệ thống nhiên liệu bị hỏng là nguyên nhân phổ biến khiến xe bị giật khi tăng tốc

2. Bộ phận đánh lửa (bugi) hoạt động kém

Động cơ cần liên tục duy trì khả năng cung cấp tia lửa thích hợp cho từng xy-lanh để hoạt động hiệu suất tối đa. Nếu bugi đánh lửa bị mòn hoặc hư hỏng, hay khi dây cắm bị hỏng và cuộn dây nối đất không hoạt động tốt… đều làm động cơ mất khả năng phát tia lửa điện đúng thời điểm, gây “khựng máy” khi tăng tốc.

3. Cản lực từ khí thải

Động cơ cũng sẽ “ngập ngừng” do những cản trở liên quan đến khí thải, thường xảy ra nhất trong bầu lọc khí thải, bởi chi tiết này dễ bị hỏng sau thời gian dài sử dụng mà thiếu vệ sinh hay bảo dưỡng. Khi bầu lọc bị hư hại, các lớp xúc tác có thể bị bong ra gây tắc nghẽn luồng khí thải, hoặc khiến khí thải dội ngược vào buồng đốt làm quá trình đốt cháy nhiên liệu trở nên kém hiệu quả. Công suất xe vì vậy trở nên tăng giảm đột ngột.

4. Các cảm biến quan trọng bị lỗi

Trong nhiều trường hợp, khả năng phản hồi từ một hoặc nhiều cảm biến quan trọng của xe bị lỗi sẽ khiến động cơ ngừng hoạt động khi đang tải hoặc tình trạng “máy giật cục bộ”. Một trong những cảm biến thường bị ảnh hưởng nhất là MAF (Mass Air Flow - cảm biến lưu lượng khí lớn). Tiếp theo là cảm biến nhiệt độ nước làm mát động cơ, cảm biến áp suất đường ống nạp MAP (Manifold Absolute Pressure Sensor), cảm biến vị trí trục khuỷu/trục cam…

Cảm biến lưu lượng khí nạp bị lỗi cũng gây hiện tượng giật máy

5. Lỗi hệ thống tuần hoàn khí thải EGR

Xe động cơ đốt trong (ICE) đời mới chạy bằng xăng thường được trang bị hệ thống tuần hoàn khí thải EGR (Exhaust Gas Recirculation), giúp một phần khí thải được lọc và đưa vào lại qua đường nạp của động cơ. Tuy nhiên khi van EGR của động cơ ở vị trí mở, nếu định lượng các khí này lọt vào với mật độ cao hơn giới hạn thiết kế thì hiệu suất động cơ bắt đầu có hiện tượng “chập chờn”.

6. Rò rỉ chân không

Lượng không khí vượt mức kiểm soát hợp lý đi vào đường nạp của động cơ được gọi là hiện tượng rò rỉ chân không. Trong khi đó, động cơ không định lượng đủ nhiên liệu để bù cho lượng không khí ngoài kiểm soát này thường dẫn đến hoạt động thất thường dưới tải. Các vấn đề rò rỉ chân không đáng lưu ý gồm: ống dẫn mềm bị khô mục, một số rò rỉ khác đến từ các miếng đệm bị hỏng nối các bề mặt kín khác nhau.

7. Lỗi đường ống nạp

Động cơ cũng vận hành bất thường khi luồng khí nạp bị hạn chế hoạt động do bộ lọc không khí trên đường nạp bị bẩn hoặc bộ phận bướm ga bị kéo mở không đúng. Khi xe thiếu không khí nạp sạch thì hiệu suất động cơ phập phù, dẫn đến xe rung mạnh và lì máy khi nhấn ga nhanh. Hướng khắc phục gồm thay lọc không khí theo định kỳ hoặc làm sạch bộ lọc thường xuyên theo tài liệu hướng dẫn.

Lọc khí bẩn cần được làm sạch và bảo dưỡng định kỳ

8. Độ giãn của cáp tăng tốc

Mặc dù phần lớn những xe đời mới sử dụng mô-tơ điện dẫn động thân bướm ga, nhưng một số phương tiện khác vẫn dùng dây ga cơ bản để điều khiển hoạt động đóng mở bướm ga. Các dây cáp này theo thời gian dần bị mài mòn, giảm khả năng co giãn, gây bó chặt quá mức, dẫn đến phản ứng ga của xe không nhạy. Trong hầu hết các trường hợp, thay dây ga mới là giải pháp tối ưu.

9. Trục trặc hộp điều khiển hệ thống truyền động/hộp số PCM/TCM

Mô-đun điều khiển hệ thống truyền lực (Powertrain Control Module) và mô-đun tinh chỉnh hộp số (Transmission Control Module) phối hợp hoạt động giúp xe tăng tốc mượt mà trong mọi biên độ vận hành chân ga. Nhưng khi một trong hai bộ điều khiển quan trọng này bị lỗi thì khả năng tăng tốc của xe sẽ bị hạn chế ở nhiều mức độ.

Tóm lại, hiện tượng xe rung giật khi tăng tốc không ảnh hưởng ngay đến khả năng hoạt động của xe nhưng chúng cảnh báo các vấn đề hỏng hóc nặng hơn. Do đó cần đưa xe đến garage khắc phục sớm, tránh đội chi phí khi tình trạng hỏng hóc ngày càng tồi tệ hơn về lâu dài.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn