Xe cháy bắt nguồn từ hệ thống điện và hệ thống xả động cơ

Sáng 10/2, tại hội thảo về các vụ cháy xe gần đây, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa, nhận định hiện tượng cháy nổ được bắt đầu từ nơi có nguồn lửa bên ngoài động cơ, bùng phát khi tiếp xúc với các chi tiết dễ cháy như vật liệu cao su, nhựa… hoặc hỗn hợp nhiên liệu với không khí.

TS Tuấn, khẳng định, hầu hết các vụ cháy đều bắt nguồn từ hệ thống điện và hệ thống xả của động cơ. Với hệ thống khởi động phát sinh nguồn lửa gây cháy, theo TS Tuấn, do môi trường nóng ẩm, kết hợp với chất lượng của rơ le và cuộn đề. Một số phương tiện sử dụng phụ tùng xe máy là động cơ xăng và diesel khó khởi động nhất là vào mùa đông.
 
Bản thân xăng hay methanol, do đặc điểm cấu trúc phân tử bền vững nên không phải là những loại nhiên liệu tự cháy mà chúng chỉ có thể cháy khi có mồi lửa từ bên ngoài. Hơn nữa, xét về chỉ tiêu phòng hỏa thì methanol còn có khả năng phòng hỏa tốt hơn xăng vì nó bắt cháy ở nhiệt độ cao hơn. Còn nhiên liệu diesel chỉ có thể tự cháy trong đông cơ khi có điều kiện tốt về nhiệt độ cao và áp suất lớn.

Theo những nghiên cứu và nhận định ban đầu về các nguyên nhân gây cháy xe, hệ thống phụ tùng, đặc biệt là hệ thống dây điện, tiếp điểm, rơle, sạc ắc quy có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt. Bên cạnh đó, nhiên liệu có chứa các chất phụ gia không được kiểm soát hoặc dung môi như methanol, aceton với tỷ lệ lớn dẫn tới ăn mòn, lão hóa nhanh các chi tiết làm kín như cao su, nhựa, polyme… dẫn tới rò rỉ nhiên liệu. Cùng với đó là chế độ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện không phù hợp, hệ thống phụ tùng thay thế không được kiểm soát chất lượng và việc lắp ráp thêm các hệ thống mới như còi, đèn, đã gây quá tải cho hệ thống điện của phương tiện. Ngoài ra, điều kiện vận hành khắc nghiệt do thời tiết nóng ẩm, bụi bẩn, tắc đường… dẫn tới việc lão hóa nhanh các hệ thống, thiết bị phụ trợ của xe. Trong khi đó, các thiết kế, bố trí của một số phương tiện chưa lường trước được các điều kiện này.

Một nguyên nhân nữa là chất lượng xăng dầu. Việc sử dụng nhiên liệu xăng pha methanol đã từng được áp dụng rộng rãi tại Mỹ, Brazil và hiện nay là Trung Quốc. Ở nước ta, methanol chỉ mới được thừa nhận là một loại phụ gia (chất biến tính) trong nhiên liệu sinh học vì thế việc mẫu nhiên liệu có chứa tới 15,3% methanol là không phù hợp. Trong trường hợp xảy ra rò rỉ nhiên liệu, nếu hệ thống trao đổi khí làm mát khoang động cơ tốt thì nhiên liệu bay hơi và được đẩy nhanh ra khỏi khoang động cơ, tức là sẽ khó gây cháy nhưng trong trường hợp hỗn hợp nhiên liệu - không khí không được giảm phóng ra bên ngoài mà có nguồn lửa phát ra từ một nguyên nhân nào đó thì sẽ lập tức phát cháy.

Một vấn đề nữa theo TS Tuấn là xăng sinh học (hỗn hợp xăng với ethanol) khác biệt hoàn toàn với hỗn hợp xăng với methanol. Với tỷ lệ ethanol cao trong hỗn hợp thì vấn đề tương thích vận liệu cũng cần được lưu ý. Vấn đề này cũng đang được ĐH Bách khoa nghiên cứu một cách bài bản.

Còn theo ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm An toàn hóa chất Bảo vệ môi trường, nguyên nhân gây cháy xe còn do sự hình thành các chất ở trạng thái có thể gây cháy, như xăng chảy ra từ đường ống dẫn bị thủng. Xăng tràn do quên đậy nắp bình xăng. Dầu xe rò trên ống xả nóng, thậm chí do xe bẩn dính dầu trong khi bảo dưỡng, lau chui, giẻ lau, rơm rác, lông vũ nằm ở các vị trí có nhiệt độ cao gần dây điện trong những điều kiện thuận lợi cũng có thể gây cháy.

Ông Chúc cũng phân tích thêm về những yếu tố tăng thêm nguy cơ như bơm xăng trong các xe đời mới đặt ngập trong xăng, khi ống dẫn xăng thủng xăng sẽ văng lên các bộ phận khác. Cùng với đó, đường dây dẫn nằm trong khoang động cơ. Khi vận hành xe có thể bị một số chi tiết đông cà vào làm thủng gây chập mạch. `

Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao đã đề nghị nhóm các chuyên gia của ĐH Bách khoa xây dựng một đề án gửi Sở cần làm những việc gì, đề xuất những phương tiện xét nghiệm ra sao. Một nhóm khác nghiên cứu về những đường phát gây nhiệt, lửa nhằm mục đích đảm bảo an toàn hệ thống điện trong xe.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn