Xe cá nhân tiếp tục bị khống chế

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành 2 quyết định liên quan đến lĩnh vực GTVT, trong đó đáng chú ý có nội dung liên quan đến kiểm soát sự phát triển của phương tiện cá nhân, khống chế ở mức 3,2-3,5 triệu ôtô và 36 triệu xe máy vào năm 2020.

Hai Quyết định trên gồm Quyết định 355/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 356/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Theo các mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6,240 tỷ hành khách, trong đó đường bộ đảm nhận 86-90%; đường sắt 1-2%; đường thủy nội địa 4,5-7,5% và hàng không 1-1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2,090 tỷ tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65-70%; đường sắt 1-3%; đường thủy nội địa 17-20%; đường biển 9-14% và hàng không 0,1-0,2%.
 
Để thực hiện được mục tiêu trên, Quyết định 355 đã chỉ rõ Chiến lược phát triển GTVT là ưu tiên xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam như nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1 thành 4 làn xe, nối thông tuyến đường HCM và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên… Đáng chú ý là việc nghiên cứu các phương án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao vẫn được đặt ra. Phát triển đường bay trong nước với 2 trung tâm là Hà Nội và TP.HCM.
 
Với giao thông đô thị, chiến lược hướng tới gia tăng quỹ đất lưu thông từ 16 đến 26%, đáp ứng nhu cầu phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như xe buýt, xe điện trên cao và tàu điện ngầm với tỷ lệ đảm nhận vận chuyển 25-30% nhu cầu. Cùng với mở rộng giao thông công cộng, ngành công nghiệp ôtô được chỉ đạo tập trung phát triển xe khách/buýt, xe tải, xe nông cụ…
 
Đáng chú ý, theo Quyết định 356, đến năm 2020, khối lượng khách vận chuyển là 5,6 tỷ hành khách với 154,56 tỷ hành khách luân chuyển; hàng hóa vận chuyển là 1,310 tỷ tấn với 73,32 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển và phương tiện ô tô các loại khống chế có khoảng 3,2 - 3,5 triệu xe, trong đó xe con 57%, xe khách 14% và xe tải 29%; còn xe máy khoảng 36 triệu chiếc và chủ yếu ưu tiên ở nông thôn, khu vực không có vận tải hành khách công cộng. Quy hoạch mới cũng khẳng định việc sử dụng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật nhằm hạn chế mức tăng của phương tiện cá nhân tại các trung tâm lớn như Hà Nội và TP.HCM.
 
Hiện nay cả nước có hơn 35 triệu xe máy và gần 2 triệu ôtô. Điều đó có nghĩa là lượng xe máy gần như không được phép tăng lên nữa, còn thị trường sẽ bị giới hạn ở quy mô hiện nay trong vòng gần một thập kỷ tới.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn