Vinacomin gặp hạn vì linh kiện lắp ôtô không đủ độ rời rạc

Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 7205/TCHQ-KTSTQ gửi Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), khẳng định 2 công ty con của họ là V-Itasco và Itasco CPM đã nhập khẩu bộ linh kiện lắp ráp ôtô tải có độ rời rạc không đáp ứng quy định nên buộc phải áp thuế nhập khẩu theo thuế suất của ôtô nguyên chiếc.

Theo đó, 2 công ty con thuộc Vinacomin đã nhập khẩu các bộ linh kiện lắp ráp ôtô, bao gồm: cabin, cabin đã sơn, vỏ cabin, vỏ cabin đã sơn, khung cabin đã định hình, ghế lái, ghế phụ không đáp ứng đủ các quy định về mức độ rời rạc theo quy định tại Quyết định 05/2005 của Bộ KHCN và sai hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do vậy, những mặt hàng này không đủ điều kiện phân loại áp mã số, thuế suất thuế nhập khẩu của từng linh kiện mà phải áp thuế suất thuế nhập khẩu của ôtô nguyên chiếc (từ 72-83%). 
 
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Vinacomin chấp hành nộp thuế vào ngân sách Nhà nước trước ngày 31/12/2012. Trường hợp không đồng ý với số thuế ấn định thì Vinacomin vẫn phải nộp đủ số tiền thuế do hải quan ấn định và thực hiện kiến nghị, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2011 đã từng xảy ra một vụ việc tương tự khi Tổng cục thuế đòi truy thu thuế của Công ty Honda Việt Nam số tiền lên tới 3.340 tỷ đồng vì linh kiện CKD không đảm bảo độ rời rạc, Ford Việt Nam cũng bị “đòi thêm” 32,5 tỷ đồng. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã xác định 5 doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện chưa đảm bảo độ rời rạc theo quy định của Bộ KH&CN gồm: Vinamotor (với các chi tiết kính gắn sườn, ống xả, ghế), Honda Việt Nam (ghế, lốp và vành xe), Toyota Việt Nam (vành và lốp xe cho một số chủng loại), Ford Việt Nam (ống xả, ghế) và GM Daewoo (ghế).
 
Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán, cả 5 doanh nghiệp này đều "thoát nạn" truy thu thuế. Lý do là giá trị lượng linh kiện nhập khẩu không đảm bảo độ rời rạc chưa vượt quá 10% tổng giá trị của tất cả linh kiện phụ tùng cấu tạo lên một chiếc xe hoàn chỉnh và không vượt hạn ngạch theo dự thảo của Bộ Tài chính. Lúc đó, với các cụm linh kiện, chi tiết chưa đảm bảo độ rời rạc, hải quan đã thay đổi khung phân loại, áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi của cả bộ linh kiện.
 
Nhưng bất lợi với Vinacomin là trong các điều kiện để “châm trước” cho nhóm linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc nói trên, không bao gồm khung, gầm, thân xe, thùng xe và ca-bin đối với xe tải (chính những chi tiết mà Vinacomin đang bị truy thu). Bộ Tài chính cũng đã cảnh báo, đối với các trường hợp linh kiện ôtô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp xe mà không đáp ứng được các điều kiện kể trên, hải quan sẽ tiến hành phân loại và áp thuế của cả bộ linh kiện theo mức đối với xe nguyên chiếc (72%-83%, tùy loại).
 
Việc bị truy thu thuế nhập khẩu chênh lệch dạng CKD (linh kiện) và xe nguyên chiếc (CBU) luôn là vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ôtô – xe máy. Vì chênh lệch giữa thuế suất thuế nhập khẩu CKD (theo biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi) và thuế suất CBU rất lớn (tuỳ chủng loại, mục đích và xuất xứ, mức chênh lệch có thể giao động trong khoảng từ 50-78%). Một lô hàng lớn (ví dụ toàn bộ số xe đã được lắp ráp theo kế hoạch năm) sẽ kéo theo số tiền thuế khổng lồ phải nộp vào ngân sách. Đặc biệt, theo quy định khá áp đặt và khó thực hiện của Luật thuế, số tiền truy thu này phải được nộp ngay cho cơ quan thuế, bất luận DN có nhu cầu tiến hành đàm phán, khiếu nại hay không. Trong khi sản phẩm đã được DN bán ra theo giá thấp vì định giá dạng CKD, bản thân số tiền truy thu quá lớn có thể làm cho một DN chao đảo hoặc phá sản.
 
Chưa biết tổng số tiền thuế mà Vinacomin phải truy nộp do hành vi gian dối thuế nhập khẩu linh kiện ôtô là bao nhiêu, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, Vinacomin đang có tổng dư nợ lên tới 71.000 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất cao. Dù không thuộc lĩnh vực nhà nước cần độc quyền nhưng Vinacomin vẫn nằm lại trong danh sách 7 TĐKTNN “trụ hạng”. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Vinacomin bị phát hiện gian dối thuế hay tiếp tục bị phanh phui những sai phạm còn kinh khủng hơn nhiều...
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn