Vì sao triển lãm xe ngày càng vắng “bóng hồng”
“Bóng hồng” và xe hơi từng được xem như hai hình ảnh không thể tách rời tại các triển lãm xe trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi phong trào #MeToo được khởi xướng cách đây gần 6 tháng, các sự kiện của ngành công nghiệp ôtô cũng thưa dần hình ảnh những cô gái ăn mặc gợi cảm đứng tạo dáng bên xe, và Triển lãm Ôtô Geneva năm nay không ngoại lệ.
Trả lời Euro News, một phát ngôn viên của SsangYong với màn ra mắt mẫu xe bán tải Musso, cho biết: Musso là mẫu xe mang phong cách thoải mái. Bởi vậy, để nhấn mạnh hình ảnh này là sự xuất hiện của cả người mẫu nam và nữ trong các bộ đồ thể thao khỏe khoắn.
Nissan chọn cách thay thế dàn người mẫu bằng các chuyên gia ôtô: “Chúng tôi không còn sử dụng người mẫu để quảng bá xe tại các triển lãm. Thay vào đó, chúng tôi dùng các chuyên gia sản phẩm được đào tạo bài bản để cung cấp thông tin cho truyền thông cũng như khách tham quan.”
Toyota đã áp dụng chính sách “không người mẫu” ở châu Âu hơn một năm qua. Một phát ngôn viên của hãng cho hay: “Ở triển lãm năm nay, chúng tôi không dùng người mẫu ở gian hàng của Toyota.” Thay vào đó là những người đóng vai trò như các chuyên gia, trả lời thắc mắc của khách hàng về sản phẩm.
Không riêng các hãng xe Nhật – Hàn mà ngay cả các nhà sản xuất xe hơi của Ý – trong quá khứ, họ thường thuê những người mẫu xinh đẹp trong các bộ trang phục “thiếu vải” – cũng có những thay đổi nhất định tại triển lãm. Tất nhiên, người mẫu vẫn xuất hiện trong sự kiện, nhưng với những bộ đồ lịch sự hơn.
Những thay đổi ở các hãng sản xuất một phần bắt nguồn từ #MeToo, phong trào khuyến khích nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục lên tiếng. Quấy rối tình dục có thể là hiện tượng không quá xa lạ, đặc biệt ở chốn công sở nhưng vấn đề thu hút sự chú ý nhiều hơn kể từ tháng 10 năm ngoái. Đó là khi nhà sản xuất Hollywood Harvey Wenstein, người đồng sáng lập Miramax studio, bị tờ New York Times cáo buộc quấy rối nhân viên cũng như các nữ diễn viên trong suốt 3 thập kỷ. Kể từ đây, ngày càng nhiều người dám lên tiếng tố cáo những hành vi tương tự mà “nạn nhân” không ai khác, là chính họ.
Làn sóng này lan sang cả lĩnh vực ôtô và thể hiện rõ nhất ở các triển lãm. Ngày nay, ngành công nghiệp dường như đang “quay ngoắt” 180 độ khi bắt đầu ngừng sử dụng người mẫu đứng trên bục với những bộ đồ gợi cảm, nếu không những trang phục cũng kín đáo hơn trước. Sử dụng những người mẫu “chân dài” có thể giúp các hãng thu hút sự chú ý của truyền thông cũng như khách hàng. Tuy nhiên, mặt tối của vấn đề nằm ở việc họ cũng có thể bị chỉ trích vì đem phụ nữ ra để “trưng bày”.
Benjamin Glean, người sáng lập của một công ty chuyên cung cấp người mẫu cho các sự kiện, bao gồm triển lãm ôtô, cho biết các nhân viên của ông còn được xem trước ảnh trang phục họ sẽ mặc tại sự kiện. Họ có quyền quyết định nhận lời hay không.