Uber chính thức “chia tay” khách hàng Việt từ hôm nay

Kể từ ngày hôm nay (8/4), Uber chính thức bị “khai tử” tại Việt Nam. Thay vào đó, khách hàng và các tài xế có thể chuyển sang ứng dụng của Grab.

Ảnh: Vietnamnet
 
Sự kiện khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối, đặt biệt những tài xế đã gắn bó từ những ngày đầu ứng dụng Uber có mặt tại thị trường Việt. Ngày 7/4, một số hoạt động mang tính chất “kỷ niệm” diễn ra trong giới tài xế như mặc đồng phục hay bán “combo” mũ áo Uber. Thậm chí có người còn để chuông điện thoại là chuông thông báo của Uber. Tranh thủ ngày cuối cùng, không ít tài xế có tâm lý “cày” hết sức mình. Theo ghi nhận, lượng khách khá đông, chắc nhiều khách hàng cũng muốn ủng hộ các tài xế Uber thêm một ngày nữa.
 
Cách đó chỉ vài ngày còn xuất hiện thông tin tài xế Uber liên tục bị kêu ca vì có thái độ không cần khách, huỷ chuyến hay chỉ nhận tiền mặt. So với ngày thường, số lượng tài xế trên ứng dụng của Uber giảm hẳn và thời gian tài xế nhận xe cũng lâu hơn. Lý giải cho sự thờ ơ này, một số lái xe cho biết trước sau gì công ty cũng giải tán nên hầu như không ai còn mặn mà với công việc, dù có bị khách hàng chấm điểm 1 sao cũng không quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều tài xế đã đến trụ sở của Grab để thực hiện các thủ tục “chuyển nhà”.
 
Hồi cuối tháng 3, Uber gửi thông báo chính thức đến khách hàng và đối tác về việc chuyển giao toàn bộ hoạt động cho đối thủ Grab vào ngày 8/4. Khách hàng cũng như các tài xế của hãng đều được khuyến khích tải app Grab về điện thoại di dộng và sử dụng.
 
Thông báo Uber gửi đến khách hàng 
 Về phía mình, Grab cho biết đang chuẩn bị chào đón các tài xế Uber nếu như họ đồng ý tham gia. Những lái xe từng là thành viên của Grab nhưng ngừng sử dụng vẫn có thể đăng ký lại bình thường. Tuy nhiên, đối với những ai bị khoá tài khoản hay bị đưa vào “danh sách đen” do vi phạm quy định của Grab, công cuộc quay trở lại “chốn cũ” có vẻ khá gian nan.
 
Việc hai hãng cung cấp ứng dụng gọi xe “về chung một nhà” nằm trong kế hoạch mua lại Uber trên thị trường Đông Nam Á của Grab. Theo đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại những quốc gia như Indonesia, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam sẽ thuộc quản lý của Grab. Đổi lại, Uber nắm giữ 27,5% cổ phần trong Grab. CEO Uber là ông Dara Khosrowshahi cũng tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
 
Ảnh: Bizlive
 
Sau thương vụ này, chắc hẳn ai cũng nhận thấy bước đầu, Grab chiến thắng còn Uber là “kẻ bại trận” trong cuộc chiến giành miếng bánh trên thị trường đi chung xe ngày càng phổ biến. Mặc dù vậy, việc Grab thâu tóm Uber không hẳn đã suôn sẻ. Ngày 27/3 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có công văn yêu cầu Grab cung cấp các tài liệu cũng như thông tin liên quan đến thương vụ sáp nhập Uber trong khu vực 620 triệu dân, bao gồm Việt Nam.
 
Đến ngày 5/4, cơ quan nhận được trả lời từ Grab nhưng công ty cho rằng ngay cả khi kết hợp với Uber, thị phần của hãng tại Việt Nam vẫn chưa đạt 30% nên không cần phải thông báo cho cơ quan quản lý về quá trình này.
 
Theo quy định trong luật cạnh tranh, khi kết hợp, thị phần của hai bên chiếm từ 30-50% thì các doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện và hoàn tất giao dịch. Nếu không có thể bị phạt tiền tối đa 10% doanh thu trong năm tài chính trước. Thậm chí, giao dịch có khả năng bị cấm nếu thị phần tổng vượt quá 50%.
 
Không dừng lại ở rắc rối với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Grab còn gặp vướng mắc về khoản tiền thuế mà Uber đang nợ Cục thuế TP.HCM. Được biết, tháng 9/2017, Cục thuế TP.HCM quyết định truy thu Uber gần 66,7 tỷ đồng tiền thuế nhưng đến cuối năm, công ty mới nộp 13,3 tỷ đồng. Theo lý lẽ từ Grab, công ty chỉ mua lại mảng kinh doanh của Uber nên không có trách nhiệm gánh thay khoản nợ thuế phát sinh từ trước.