Từ 1/2 cấm xe máy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Đó là nội dung chính trong văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc phân luồng, tổ chức giao thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Trên thực tế, tuyến đường này đã được kéo dài qua Cầu Giẽ tới địa phận Phủ Lý (đến điểm giao cắt với đường 21 đi Nam Định), đoạn cao tốc mới hoàn thành này cũng không cho phép xe máy và các phương tiện thô sơ khác lưu thông.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, phải tổ chức lại giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vì các lý do an toàn. Theo đó, từ 1/2 xe máy và các phương tiện thô sơ khác sẽ bị buộc phải chuyển sang đi theo đường Quốc lộ 1A cũ, với lộ trình Giải Phóng - Ngọc Hồi - Thường Tín - Phủ Lý.
Để tạo điều kiện tốt hơn cho xe máy và các phương tiện thô sơ, UBND phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện duy tu, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường 1A cũ, lắp đặt biển báo hướng dẫn, sơn kẻ đường và tổ chức hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến này.
Trước đó, các thống kê của Sở Giao thông vận tải cho thấy có tới 40% trường hợp tai nạn xe máy trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là do “tự ngã”. Hiện tượng này khá dễ hiểu, xe máy có thể bị cuốn ngã bởi gió tạt từ ôtô chạy cùng chiều, đặc biệt nguy hiểm khi song hành với các xe buýt cỡ lớn chạy tốc độ cao. Bên cạnh đó, khi xe máy cỡ nhỏ chạy nhanh gặp gió lốc quá mạnh hoặc giảm tốc đột ngột trên những đoạn mặt đường có cát, sỏi, vũng nước... đều rất dễ mất lái và ngã. Điều đáng nói hơn là một tai nạn nhỏ trên đường cao tốc rất dễ dẫn đến va chạm dây chuyền, gây hậu quả thảm khốc cho nhiều phương tiện khác. Rất nhiều lần tuyến đường cao tốc dẫn vào cửa ngõ Thủ đô này đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng vì những tai nạn liên quan đến xe máy.
Do vậy, việc tách dòng xe máy và phương tiện thô sơ ra khỏi đường cao tốc là việc cần thiết, đáng lẽ nên làm ngay từ khi mới hoàn thành tuyến đường này, vì tuyến đường 1 cũ chạy song hành.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn