Truyền thông Trung Quốc ‘đấu đá’ vì xe sang biển đỏ
Tại Trung Quốc, sau khi lệnh cấm cấp biển quân sự (biển đỏ) cho hầu hết các nhãn hiệu xe sang có hiệu lực ngày 1/5, hàng loạt báo mạng đã đăng tải các bức hình cho thấy vẫn có nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu đã biện minh rằng vấn đề là… cư dân mạng đang “săm soi” quá mức cần thiết.
Ngay sau khi có lệnh cấm nêu trên từ Quân ủy Trung ương, cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “truy lùng” để chứng minh rằng vẫn còn nhiều đối tượng không tuân thủ quân pháp.
Ngày 2/5, người dẫn chương trình của Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc Tiểu Đình đã tung lên mạng bức ảnh cho thấy một chiếc SUV Volkswagen Touareg mới toanh (có giá thấp nhất 680 nghìn tệ và bản cao cấp nhất có thể tới 1,1 triệu tệ) gắn biển quân đội đang lưu thông trên đường cao tốc ở Bắc Kinh. Theo quy định mới, xe đăng ký biển đỏ có giá trần là 450 nghìn tệ.
Bức hình nhanh chóng lan trên các trang báo mạng của Trung Quốc và được cư dân mạng truyền tay nhau với tốc độ “chóng mặt”. Trên mạng weibo.com, Tiểu Đình cho hay: “Quân đội Trung Quốc đã vi phạm luật ngay trong ngày đầu tiên. Đây là một hành động không thể chấp nhận được.”
Bức hình về chiếc Volkswagen Touareg trên đường cao tốc Bắc Kinh. Khác với biển đỏ ở Việt Nam (nền màu đỏ, chữ và số màu trắng), biển quân đội của Trung Quốc có nền màu trắng với chữ cái đầu có màu đỏ.
Ngay cả Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cùng ngày cũng dẫn ra một bức hình khác cho thấy một chiếc SUV hiệu Audi còn đắt tiền hơn nữa cũng vi phạm quy định mới.
Trái ngược lại với hầu hết các tờ báo khác, Thời báo Hoàn Cầu lại lên tiếng bảo vệ quân đội Trung Quốc bằng cách đổ lỗi cho sự để ý thái quá của cư dân mạng. Một bài xã luận được đăng tải trên tờ báo này biện minh rằng Volkswagen Touareg không nằm trong danh sách bị cấm cấp biển số quân đội mới, không giống như các xe sang BMW, Bentley, Jaguar và Audi. Hơn nữa, đây là loại đã được cấp từ trước và nay vẫn được sử dụng để… tránh lãng phí. “Mọi người cần đối mặt với thực tế. Sự soi mói thái quá sẽ gây ra nhiều điều có hại hơn là có lợi”, tờ báo khẳng định.
Điều này khiến người ta nhớ lại rằng năm 2012, tờ báo quốc doanh này còn thản nhiên khẳng định tệ nạn tham nhũng của Trung Quốc có thể không bao giờ bị bài trừ nên hãy… thực tế hơn bằng cách coi rằng chính quyền Bắc Kinh cần “giữ nó trong tầm kiểm soát”.