Trong suy thoái, ô tô Nhật tăng cường tìm kiếm linh kiện giá rẻ của Trung quốc
Nguồn linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc đang hấp dẫn các nhà sản xuất Nhật Bản trong cuộc đua cạnh tranh với xe Âu, Mỹ về giá bán giữa thời suy thoái kinh tế.
Áp lực cạnh tranh của xe Nhật ngày càng lớn về giá
Từ một thập kỷ trước, xe hơi Nhật Bản vẫn thực hiện cách thức sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc bằng việc đặt nhà máy lắp ráp tại chỗ nhưng linh kiện lại nhập từ Nhật để đảm bảo chất lượng. Thậm chí hãng Nissan và Honda đã xây dựng được 90% linh kiện xe sản xuất ngay tại Trung Quốc nhưng chi phí sản xuất vẫn cao vì vật liệu nhập từ Nhật. Cách thức kinh doanh này hiện đang khiến các hãng xe Nhật thua kém về giá so với các đối thủ có tỷ lệ nội địa hóa cao như GM, Geely. Trong khi đó, đồng Yên tiếp tục tăng giá càng khiến khó khăn thêm chồng chất.
Ở Trung Quốc, trong khi các hãng xe Nhật vẫn đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số vì liên đới bởi tình hình căng thẳng trong tranh chấp biển đảo giữa 2 nước, thì các hãng như Geely, GM đang hút khách bởi các sản phẩm xe giá rẻ xoay quanh 10.000 USD. Phân khúc này được dự báo sẽ tăng 40% nhu cầu trong 2 năm tới. Geely đang có chiếc King Kong, GM có Chevrolet Sail, gần đây BMW cũng công bố thương hiệu xe giá rẻ tại Trung Quốc khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trước thực tế trên, nhiều hãng xe Nhật đã tính đến chuyện khai thác “mỏ” sản xuất hàng giá rẻ Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất. “Người Nhật đang phải dựa vào các đối tác Trung Quốc để đối phó với cuộc khủng hoảng”, người đứng đầu của một trong những nhà cung cấp bộ phận nội thất xe Honda tại Trung Quốc nói. Trả lời Reuters, Shouhei Yamazaki - Phó Chủ tịch cấp cao tại địa phương của liên doanh Nissan - Dongfeng - cho rằng các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc đang có giá thành khá rẻ, ví dụ như bộ phận đèn đuôi trên xe Nissan Venucia đã tiết kiệm được 40% so với hàng nhập do các nhà sản xuất địa phương cung cấp. Yamazaki cũng nhớ lại trong giai đoạn đầu thực hiện nội địa hóa xe lắp tại Trung Quốc, hãng Nissan đã phải cắt cử các chuyên gia giám sát tới các nhà cung cấp địa phương do chất lượng hàng không đảm bảo. Hiện nay, các bộ phận được làm tại Trung Quốc chiếm 15-20% giá trị xe và Nissan đang muốn thúc đẩy lên hơn 35%.
Lời cảnh báo từ "Keiretsu"
Hiện nay, các hãng xe Nhật vẫn đang giới hạn nguồn cung từ Trung Quốc, chủ yếu sử dụng các chi tiết điện tử và nội thất do ít ảnh hưởng đến độ an toàn của xe. Nếu xu hướng tận dụng hàng giá rẻ Trung Quốc tăng lên, dù lý do là để trực tiếp đối phó với sự cạnh tranh tại thị trường đông dân nhất thế giới nhưng hệ quả về lâu dài là khá rõ. Đầu tiên sẽ ảnh hướng trực tiếp đến các công ty cung cấp Nhật Bản, sau là uy tín thương hiệu xe Nhật sẽ đi xuống.
Mặc dù Honda vừa chính thức lên tiếng không đặt mục tiêu 100% nội địa hóa sản xuất địa phương nhưng Toyota lại từ chối bình luận chuyện này khiến sự nghi ngại trên càng có cơ sở.
Nhiều “Keiretsu” (một phương thức hợp tác kinh doanh mang đậm nét đặc trưng kiểu Nhật với nhiều công ty thành viên) đã cảnh báo rằng một khi dựa dẫm quá nhiều vào linh kiện Trung Quốc có nghĩa là chiếc xe làm ra sẽ bị kém đi về chất lượng. Chất lượng xe sản xuất ở Trung Quốc bị cho là thấp, kém an toàn và thực tế rào cản đã được lập nên ở nhiều nước để sớm ngăn chặn, nhất là tại châu Âu. “Các nhà sản xuất ôtô sẽ không bao giờ thừa nhận rằng chất lượng xe sẽ giảm đi, nhưng điều đó rất đáng nghi ngờ với linh kiện do Trung Quốc sản xuất”, giám đốc điều hành giấu tên của một nhà cung cấp linh kiện chính cho Toyota, Nissan và Honda đã nói với Reuters.
Một chiếc xe ôtô được nhìn nhận là tốt hay kém chất lượng đều sau một quá trình sử dụng. Xe Nhật vốn lâu nay được đánh giá là bền bỉ và tốt máy, nhưng nếu vì chạy theo lợi nhuận mà chọn hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ chẳng khác nào chơi dao 2 lưỡi. Và người Nhật đang phải dùng tới nó trước sức ép cạnh tranh ngày một rõ ràng từ các hãng xe Âu, Mỹ.