Trải nghiệm Land Rover tự... off-road
Trong ba ngày cuối tuần (29, 30/6 và 1/7) tại Sài Gòn, Land Rover Việt Nam tổ chức các “khóa học” hữu ích khám phá nhiều mẹo cầm lái hiệu quả nhằm chinh phục địa hình khó đầy thách thức. Dàn xe để trải nghiệm là các loại SUV hạng sang thuộc dòng Range Rover Evoque, LR Discovery Sport, Range Rover Sport, Range Rover Vogue với mức giá hàng tỷ đồng mỗi chiếc.
Địa điểm để thực hành các bài tập offroad khó nhằn được chọn lựa kỹ càng - bãi lái xe Offroad School Vietnam nằm trong Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9) với địa hình hỗn hợp gồm đường ổ gà ổ voi trơn trượt, khúc quanh ngập bùn sình, dốc sỏi dựng đứng 45 độ, đường nghiêng ngang 35 độ...
Xe tự động chinh phục địa hình nguy hiểm
Câu truyền miệng “Địa hình nào xe khác không qua được thì xe Land Rover qua được. Nhưng địa hình nào xe Land Rover không qua được thì xe khác cũng không thể qua được” thể hiện sự tự tin của người sở hữu xe Land Rover. Bởi nếu đường khó quá, chỉ cần bật chế độ Kiểm soát đa địa hình ATPC (All Terrain Progress Control) bằng cách ấn “một chạm” dễ dàng nút kích hoạt trên bệ điều khiển trung tâm. Sau đó, người lái chỉ việc bấm nút Cruise Control để xác lập tốc độ lý tưởng (7 - 9km/h), vần vô-lăng cẩn thận để chuyển hướng xe an toàn. Còn lại không cần bất kỳ tác động nào bàn đạp phanh hoặc ga. Xe sẽ tự động điều chỉnh mọi thứ để vượt qua cung đường hiểm trở. Hệ thống ATPC sẽ duy trì tốc độ xe từ ngưỡng 30km/h cho đến ngưỡng cực chậm (2km/h) giúp người lái yên tâm điều khiển xe “chắc thắng” vượt qua mọi loại địa hình khó khăn. Tính năng ATPC của Land Rover còn thông minh và hữu ích ở đặc tính không huỷ khi người lái cần chủ động đạp phanh tức thời hay thêm ga, hệ thống chỉ huỷ khi đạp giữ phanh dừng lâu.
Bên cạnh đó, công nghệ Hỗ trợ đổ dốc (Hill Descent Control) sẽ kiểm soát tốc độ của xe khi đổ dốc, điều chỉnh bằng cách sử dụng chân ga hoặc kích hoạt chức năng kiểm soát hành trình. Công nghệ Thích ứng địa hình cho phép xe nhận biết đặc điểm địa hình như cỏ ướt, băng tuyết, bùn lấy, cát hoặc sỏi đá để thiết lập các thông số tác động đến hệ thống ga, chân phanh, hộp số, phân bổ lực mô-men xoắn, độ cao khung gầm, bộ vi sai trung tâm... bảo đảm xe khắc chế đường xấu.
Clip chinh phục địa hình khó trong buổi tập offroad:
Không đạp phanh và không để tua máy vượt 2.000 vòng/phút
Đây là nguyên tắc được các huấn luyện viên nhắc lại nhiều lần vì đơn giản một số học viên theo thói quen “hở tí là đạp phanh” thì sẽ dễ khiến xe rê trượt mất kiểm soát hướng lái trên bề mặt trơn trượt, dẫn đến khoảnh khắc xe di chuyển không an toàn. Trường hợp thường gặp nữa là người lái phát hiện xe sa lầy thì càng cố đạp ga sẽ dẫn đến xe bị quá lực ở bánh tiếp xúc mặt đất, bánh mất độ bám sẽ xoay tít, xe càng lún sâu vào bùn và đứng ì. Thao tác đơn giản đến bất ngờ ở đây là cứ bình tĩnh nhấn nhẹ chân ga để cảm biến điện tử điều chỉnh mô-men xoắn đến các bánh cần thiết nhằm kéo xe tiến lên.
Tính năng Phân bổ lực bám (Traction Control) sẽ kiểm soát độ bám, kết hợp hệ thống cân bằng điện tử, sử dụng hệ thống phanh để làm chậm bánh xe quay không có ma sát... giúp người lái lấy lại lực để di chuyển. Riêng hệ thống treo khí nén Air Suspension (thay cho các lò xo xoắn) giúp hạ thấp xe trong trường hợp dốc nghiêng (nếu mặt đất đủ thông thoáng), tăng chiều cao gầm xe... mang đến cảm giác lái thoải mái hơn.
Một điều sau cùng nhưng cũng rất quan trọng cần nhớ là các kỹ năng bài tập và chức năng của xe dù hiện đại đến đâu cũng không thể bất chấp các quy luật vật lý. Ví dụ chất hành lý nặng và cao trên nóc thì xe rất dễ lật nếu chạy trên mặt đường nghiêng ngang 40 độ. Lái xe gặp địa hình lạ thì không chủ quan, phải xuống xe thăm dò. Chỉ cần một động tác đơn giản là bẻ cành cây cắm đo độ sâu của vũng bùn trước đầu xe cũng tránh được cú hỏng xe đáng tiếc.