Toyota thích Mỹ, bỏ Trung Quốc
Doanh số bán hàng của Toyota tại thị trường Trung Quốc đang giảm đáng kể. Tuy nhiên, nguyên nhân chính không nằm ở việc người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản mà lại nằm ở chiến lược kinh doanh của Toyota khi hãng xe này dường như không quan tâm tới thị hiếu của khách hàng tại đây.
Năm 2012, khi ông Akira Sasaki thay thế Etsuo Hattori đảm nhận vị trí Giám đốc phụ trách các hoạt động tại Trung Quốc của Toyota, ông tuyên bố sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng của công ty tại thị trường này lên mức một triệu xe một năm, tương đương mức tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh số bán hàng trên thực tế của Toyota đã giảm 4,9%, còn 840.000 chiếc trong năm qua.
Tuy các tranh chấp và căng thẳng giữa hai quốc gia đã khiến nhiều khách hàng tại Trung Quốc tẩy chay hàng hóa nói chung và xe hơi Nhật Bản nói riêng, song theo Tổ chức 21st Century Business Herald (Quảng Châu), chiến lược kinh doanh bảo thủ của hãng xe Nhật mới chính là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm doanh số.
Theo đó, Toyota dù sở hữu nhiều mẫu xe ăn khách, song chỉ giới thiệu những dòng xe đã thành công tại các thị trường khác tới Trung Quốc mà không thực sự quan tâm tới thị hiếu người tiêu dùng tại đây. Minh chứng là Corolla và Camry đã mang về rất nhiều tiền cho Toyota tại Mỹ, hay Yaris từng rất thành công tại thị trường châu Âu nhưng chỉ ra mắt chóng vánh tại Trung Quốc vài tháng. Trong vòng 5 năm qua, Toyota ra mắt khá ít mẫu xe tại đây và chỉ có Highlander được coi là thành công.
Ngoài ra, theo phân tích của 21st Century Business Herald, châu Âu là một thị trường đã lâu đời và khó tính, đồng thời hệ thống giao thông của Trung Quốc vẫn còn khá lộn xộn, bởi thế xe bán chạy chỗ này chưa chắc đã phù hợp với khách hàng chỗ kia.
Một ví dụ điển hình, mẫu Camry 2013 (vốn được thiết kế để bán tại Mỹ và bán rất chạy) lại không thành công ở Trung Quốc bởi thiết kế nội thất không phù hợp với sở thích của các khách hàng tại đây. Điều này đã khiến giá của nó đã giảm đáng kể, xuống dưới 150.000 nhân dân tệ (khoảng 24.000 USD).
Các nhà phân tích Trung Quốc vì thế nhận định Toyota đang có một chiến lược kinh doanh bảo thủ và không có sự quan tâm “đúng mức” tới thị trường xe hơi hiện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng khó mà đòi hỏi một tập đoàn lão luyện như Toyota chấp nhận dốc hết vào “canh bạc” tại Trung Quốc sau khi bị chọn làm “hình nộm” đốt phá trong cuộc biểu tình của người Trung Hoa liên quan tới các tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku. Trong khi nhiều hãng xe Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chiến lược “xoay trục” của Toyota về lâu về dài xét ra vừa có độ an toàn cao lại xây dựng được nền tảng chắc chắn hơn hẳn.