Nghe thông tin giá xăng giảm ngày 21/1 vừa qua, phần đông sẽ có cảm giác vừa kích thích vừa lo âu, lại có phần chua chát.
Kích thích là bởi lâu lắm rồi đi xe được hưởng cảm giác đầy bình với số tiền chỉ bằng 2/3 lúc trước. Nhưng còn kích thích hơn nữa khi nhìn vào sự chìm nổi của những thông báo giá, thuế thay đổi liên tục chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Buổi sáng, báo chí nhận được thông tin tăng kịch trần thuế suất đi cùng Thông tư 06 do Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, ký ban hành chiều ngày 20/1, thời gian có hiệu lực từ ngày 21/1. Cùng với đó là thông tin giảm giá xăng 1.450 đồng/lít từ 15h cùng ngày. Nhưng đến chiều, thì đã đổi thành giảm 1.900 đồng/lít từ 16h.
Sự thay đổi thất thường đó là do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng quyết định thu hồi Thông tư 06. Trước đó, cùng ngày ra Thông tư 06, Bộ trưởng lại phát đi tín hiệu trên truyền thông: “Sẽ không tăng kịch trần thuế nhập khẩu xăng dầu”, chỉ tăng sau khi giá dầu giảm sâu nữa và sẽ xin chỉ thị Chính phủ. Nhưng không rõ sự thông suốt thông tin gặp vấn đề ở đâu mà cùng ngày 20/1, một mặt Bộ báo cáo Chính phủ giữ nguyên thuế, mặt khác lại cho ra đời Thông tư 06 do Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng.
Cuối cùng, người dân cũng tạm thời yên tâm khi giá xăng chốt sổ lúc 16h ngày 21/1 là giảm 1.900 đồng/lít cùng với việc Bộ thu hồi lại Thông tư 06 theo chỉ thị của Bộ trưởng. Tuy nhiên, văn bản có thể thu hồi, giấy tờ có thể cho vào máy xén xóa sổ, nhưng thế giới ảo đã lưu lại toàn bộ nội dung của một Thông tư lỗi đã từng tồn tại thật.
Nhưng hiện tượng “ông chẳng bà chuộc” trên chỉ là một phần rất nhiều nghịch lý tồn tại trong hệ thống quản lý và nền kinh tế Việt Nam. Suốt cả năm qua, thị trường đã nói quá nhiều đến lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô, và các quy định đi theo lộ trình giảm dần qua các năm. Nhưng mặt hàng xăng dầu thì khác. Dù cũng chịu sự điều chỉnh của Hiệp định thương mại tự do nhưng thay vì có lộ trình giảm thì lại có xu hướng tăng: Thuế suất hiện hành là 30-35% và rất có xu hướng tăng 40%, trong khi tới năm 2018, xăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á chỉ còn mức thuế nhập khẩu 20%, dầu diesel cho ôtô chỉ áp mức 5%, dầu madut là 0%.
Nghịch lý còn nằm ngay trong sự hồ hởi của các chuyên gia kinh tế. Nhìn vào những thông báo giảm giá xăng liên tục những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015, không ít chuyên gia kinh tế đã nhận định: Giá xăng giảm là “dấu hiệu tích cực cho kinh tế” dựa trên lập luận “giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào sản phẩm, chi phí đi lại của người dân. Tiết kiệm được khoản tiền chi cho xăng dầu, người dân sẽ đổ vào chi tiêu các khoản khác. Quan trọng hơn, điều này sẽ tác động giải tỏa tâm lý gánh nặng giá xăng dầu Việt Nam quá cao lâu nay. Về mặt vĩ mô, việc giảm sâu giá xăng trong thời điểm này sẽ góp phần giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn”. Tuy nhiên, người dân cũng không thể quên tình cảnh các doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước, bất chấp cơ quan quản lý ra văn bản thúc giục và kiểm tra. Dù đã rục rịch giảm, nhưng mức giảm cũng không cao, phần đa là 2-5%.
Trước hiện tượng đó, người dân bất bình còn nhà nước thì xuất hiện “dẹp loạn”. Nhưng doanh nghiệp có thể ậm ừ giảm giá cước âu cũng là do “chính sách” cả thôi. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết sản lượng vận chuyển đường bộ chiếm ít nhất 50% tổng lưu lượng vận chuyển, nhiều thời điểm chiếm cao hơn trong khi đường sắt chỉ chiếm 2%, đường biển chiếm khoảng trên 30% nhưng chủ yếu lại là nhờ sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu. Chưa kể việc sở hữu xe hơi đang bị hạn chế bởi giá cao (một phần là do thuế cao), hạ tầng chật hẹp, thiếu bãi đậu… khiến cho người dân càng lệ thuộc vào các dịch vụ taxi. Có thể nói, vận tải đường bộ đang có ưu thế độc quyền nhóm tương đối. Mà khi có sự độc quyền thì rất hiếm doanh nghiệp lại chấp nhận hoạt động như trong một thị trường tự do. Thế nên mới có cảnh: giá xăng giảm, nhà nước lại chạy theo doanh nghiệp thúc giục; giá xăng tăng, chưa kịp nói gì cước vận tải đã treo tít trên cao. Cái gì cũng có tiền căn cả thôi.