Tháng 4 sẽ xử phạt xe “không chính chủ”
Bộ Công an mới đây vừa chính thức ban hành thông tư mới hướng dẫn Nghị định 34/2010/NĐ-CP và 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Theo Thông tư 11/2013/TT-BCA ban hành ngày 1/3, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4, Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể về thi hành một số điều của Nghị định 34 và Nghị định 71 của chính phủ, trong đó có vấn đề “nóng” dư luận gần đây là xử phạt “xe không chính chủ”.
Cụ thể, việc xử lý vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” với ôtô, xe máy sẽ chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra giải quyết tai nạn giao thông; xử lý qua hình ảnh, các trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự… Nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe thì lực lượng công an phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày làm giấy tờ mua bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định.
Đặc biệt, Thông tư 11 cũng nêu rất rõ: lực lượng CSGT sẽ không dừng các phương tiện lưu thông trên đường để xử lý về hành vi “đi xe không chính chủ”. Như vậy, đây là hướng dẫn đầy đủ và rõ ràng nhất thay cho các hiểu sai trước đây mà một số cán bộ trong ngành Công an đã “tự suy luận” ngay sau khi Chính phủ ban hành thêm Nghị định 71, tăng mức xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ.
Hiện nay, Bộ GTVT cũng đang gấp rút xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt thấp hơn của Nghị định 71 (chủ xe máy sẽ bị phạt 100 – 400 nghìn đồng; chủ ôtô sẽ bị phạt từ 2-8 triệu đồng nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ sau khi được mua bán tặng cho hoặc không nộp phí sử dụng đường bộ), đồng thời mức phạt tương tự với hành vi không đóng phí bảo trì đường bộ. Nếu được thông qua, Dự thảo Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ 1.7 tới đây.
Điều đáng nói ở đây là trong khi người dân đang thấp thỏm chờ đợi Thông tư hướng dẫn và thời điểm áp dụng của Nghị quyết 02 của Chính phủ (có nội dung giảm lệ phí trước bạ đăng ký lần 2 xuống 2%) để có điều kiện thực hiện nghiêm túc pháp luật về quản lý phương tiện giao thông, thì Thông tư xử phạt và các kiến nghị xử phạt cứ dồn dập tới trước. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, nhưng có cảm giác giống như là một cách tranh thủ…tận thu từ túi tiền dân.
Nghị định 71 (có hiệu lực từ tháng 11/2012), xe ô tô không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng và môtô/xe máy bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau rất nhiều bất đồng trong dư luận, Chính phủ đã yêu cầu trong khi chờ thông tư hướng dẫn, lực lượng công an tạm thời chưa xử phạt đối với hành vi sang tên đổi chủ; đồng thời các bộ ngành liên quan đề xuất đưa ra giải pháp sang tên đổi chủ với các phương tiện cũ cho thuận tiện nhất.
|