Tào lao chuyện biển số đẹp xấu ở Việt Nam

Chuyện chọn biển số đẹp xấu ở nước nào cũng có, nhưng được quản lý rạch ròi giữa cấp phát ngẫu nhiên và mua bán sòng phẳng. Còn ở Việt Nam, cái biển số đẹp vừa mơ hồ mê tín, vừa hỗn loạn thật giả, lộn xộn cả trong vai quản lý lẫn chủ xe. Vì vậy, dư luận tình thoảng lại ồn lên vì có cái xe xịn biển độc, hay xe ghẻ biển dị! Chung quy cũng vì quản lý thiếu minh bạch kiểu vẽ ra quy định để "đút túi" đặc quyền.

Chuyện kiếm được biển số đẹp và độc cho xe cộ ở Việt Nam lâu nay đã có như không, không mà có, cứ mờ mờ, ảo ảo. Luật pháp thì bảo đẹp xấu là ngẫu nhiên, cấp phát là công tâm, thế mà mười người bấm thì ra đến 9 cái biển số xấu, còn ngoài đường thì lại nhan nhản xe xịn biển đẹp. Từ lâu ở Việt Nam đã có cả nghề “cò” đăng ký biển số, ngay cả khi có quy định bấm số ngẫu nhiên thì dân hành nghề này vẫn làm ăn tốt và lấy cớ khó khăn để chém khách nặng tay hơn xưa.
 
Mà ngẫm cũng trớ trêu, những người mua xe xịn nhiều tỷ, dù không tiếc tiền, muốn mua sòng phẳng cái biển số gánh, tiến tài hay lộc phát cũng không được, mà vẫn phải giấu giếm, chui lủi, nhờ vả bắc cầu, tốn rất nhiều tiền mới có được biển số mình muốn. Vì nhà nước đã quy định rõ rồi, cấp biển bằng máy tính cơ mà! Làm sao mà tiêu cực với lộn xộn được. Luật pháp rất là nghiêm, nhất là từ sau cái thời biển đẹp 4 số ngày xưa mua bán công khai quá. Chuyển sang biển 5 số, thêm quy trình cấp biển dựa vào bốc thăm ngẫu nhiên bằng máy tính. Coi như chấm hết tiêu cực, lộn xộn trong quản lý, đăng ký, cấp biển số xe.
 
Tưởng chừng cứ thẳng băng thế là xong, khỏi phải lăn tăn. Biển số đẹp ngẫu nhiên đậu lên xe rác cũng mặc. Nhưng người có đẳng cấp vẫn bị cay mũi bởi những chiếc xe xịn khác vẫn kiếm ở đâu đó những biển số đẹp đến mức "ngẫu nhiên thì xin cứ chặt đầu tôi đi!". Mà cũng phải thôi, đi xe đẹp đương nhiên muốn gắn biển số đẹp, dù phải chi nặng tay hay luồn lách, môi giới cho đến đích. Thế là quy định cứ nghiêm bao nhiêu thì giá cò biển số đắt bấy nhiêu, thực trạng không thay đổi, ai bận lo chạy ăn từng bữa và không quan tâm thì cũng chẳng mất gì.
 
Tâm lý này khiến này sinh những ý tưởng trào phúng trong xã hội, minh chứng là xe của dân “bệt” - đồng nát cũng chơi biển kịch độc bằng các kiểu chế số kì quái, bát nháo, coi thường pháp luật. Rồi có hẳn những luận thuyết chuyên bàn về ý nghĩa của biển số đẹp xấu, với các công thức luận đâu ra đấy, nghiêm túc chả kém một ngành khoa học nào. (Xem bảng tổng hợp các lý thuyết bình biển số xe).
Còn một thực tế khác, thử đi dạo một vòng quanh các nhà để xe của CSGT người ta sẽ dễ dàng được mãn nhãn với các loại biển số đẹp. Trong trụ sở công an Quận 9, CSGT Hàng Xanh, Rạch Chiếc và Phòng CSGT Đồng Nai... đầy rẫy xe máy đắt tiền lắp biển số "tứ quý", "sảnh tiến", "thần tài"... Không ai dám tin rằng đây là biển số đăng ký ngẫu nhiên may mắn. Nhưng có lẽ đối với các công an nhân dân làm trong ngành CSGT thì... không có gì là khó tưởng tượng.
 
 
 
Nhưng dù thực tế có lù lù ra đấy thì cũng chưa có vụ chạy biển số xe nào được cơ quan chức năng phanh phui. Mà CSGT cũng chẳng thấy màu mè, râu tóc gì để nổi hứng tóm mấy anh cùn đi xe nát đeo biển “giời ơi” cả!?
 
Có lúc dư luận kêu ca nhức đầu quá, người ta cũng đã tính đến quy định “đấu giá biển số xe” để khai thông cả chính sách lẫn nhu cầu. Nhưng khi đưa ra áp dụng, thậm chí tỉnh Nghệ An còn đi tiên phong thử bán đấu giá biển đẹp một phiên. Tỉnh cũng thu được khối tiền, nhà giàu thì hỉ hả vì được tiêu tiền khoe xe công khai… Nhưng cũng rốt cục cũng chẳng đi đến đâu, chỉ là bán thử rồi tạm dừng. Lý do được đưa ra là chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc giám sát, sử dụng nguồn tiền từ đấu giá. Lãng xẹt.
 
Không phải bây giờ việc đấu giá biển số xe mới được đưa ra nghiên cứu, áp dụng. Từ năm 1994, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã từng ban hành Thông tư liên bộ số 88/1994/TTLB-BNV-BTC quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký biển số xe tự chọn, có hiệu lực từ ngày 1/12/1994. Tuy nhiên, ngày đó có lẽ nhu cầu “nhà giầu” còn ít, mà dân tình thì không quan tâm vì còn mải lo chạy ăn từng bữa. Quan trọng hơn là chưa có điều luật nào xác định biển số xe là một loại tài sản, nên phải dừng triển khai. Về lô-gic, cho phép bán đấu giá biển số ôtô, xe máy tức là phải coi chúng như một dạng tài sản. Việc sở hữu biển số xe được xác định, thì kèm theo đó là quyền định đoạt tài sản. Đương nhiên chúng có giá trị tính bằng tiền, có thể tham gia giao dịch thương mại và được nhà nước bảo hộ. Nếu công nhận quyền này cũng đồng nghĩa nhà nước phải xem xét khả năng cho phép mua đi, bán lại biển số xe? Mới nghĩ đến đó, một bộ phận không nhỏ quan chức đã thấy nhức đầu mà chẳng được gì. Chi bằng cứ giữ cái khe hở đó mở lớn một chút, để tự mình lách qua lách lại cho tiện... lợi.
 
Đúng là có nhiều lý do kỹ thuật khiến cho việc đấu giá biển số phải được thiết kế đồng bộ và chặt chẽ thì mới áp dụng được. Nhưng không có báo cáo khó khăn nào hé lộ nguyên nhân chính là lợi ích của một bộ phận không nhỏ trong giới chức quản lý đăng ký xe bị thiệt hại nghiêm trọng. Hơn nữa, khi quan trên cần một cái biển số đẹp cụ thể nào đó mà nó lại bị bán mất rồi thì rất dở! Những người có quyền cho cơ chế, ban chính sách, tạo nguồn thu cho một bộ phận không nhỏ kia... đôi khi chỉ cần có cái mảnh tôn nền trắng số đen chưa thuộc về ai, rất minh bạch, sạch sẽ và vô hại.
 
Thế mới biết làm chính sách là việc tinh tế, cao siêu lắm. Người ta không thể khơi khơi trả lời các câu hỏi ồn ào từ xã hội, rằng tại sao không làm thế này, không ban hành cái kia, điều chỉnh cái nọ... Vì phàm là cái gì đang tồn tại cũng phải có lý lẽ, xuất xứ và nguồn nuôi sống nó.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn