Sau Việt Nam, Uber “chia tay” tiếp Philippines

Khoảng một tuần sau khi chính thức “chia tay” khách hàng Việt, Uber thông báo đóng ứng dụng tại Philippines vào ngày 16/4.

 
Trong email thông báo gửi cho khách hàng liên quan đến việc “chuyển nhà” sang Grab, Uber cho biết kể từ ngày 16/4, người dùng có thể tải ứng dụng Grab về điện thoại và đăng ký để gọi xe.
 
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa rõ động thái này đã được Cục Cạnh tranh Philippines chấp thuận hay chưa. Trước đó, ngày 7/4, cơ quan yêu cầu hai công ty Uber và Grab ngừng sáp nhập và hoạt động độc lập để chờ phê duyệt.
 
Sau khi Uber rời khỏi Philippines, Singapore sẽ là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á còn sử dụng dịch vụ của hãng. Ngày 13/4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore cho biết Uber sẽ tiếp tục hoạt động cho đến ngày 7/5.
 
Cục Cạnh tranh Singapore đưa ra những biện pháp tạm thời để đảm bảo thị trường mở cửa, bao gồm cấm Grab bắt buộc tài xế chấp nhận các hợp đồng độc quyền hay thu thập dữ liệu cá nhân của tài xế và khách hàng, trừ khi họ tự nguyện chuyển sang sử dụng Grab.
 
Việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại thị trường Đông Nam Á được tiết lộ vào ngày 26/3/2018 và bước sang đầu tháng 4, Uber đã đóng cửa tại một số nơi như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam... Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Singapore và Philippines cho rằng cần tiến hành đánh giá lại thương vụ với lý do thỏa thuận có thể làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. Tại Philippines, khả năng Grab sẽ chiếm hơn 80% thị trường chia sẻ xe khi nhiều tài xế quyết định “về nhà mới”.
 
Ngày 8/4, Uber chính thức “chia tay” khách hàng Việt, văn phòng đại diện công ty cũng đóng cửa. Không lâu sau, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) quyết định mở cuộc điều tra sơ bộ do thương vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh 2004.
 
Theo quy định trong Luật Cạnh tranh 2004, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% mà không thông báo cho Cục Cạnh tranh trước khi thực hiện và hoàn tất giao dịch, doanh nghiệp sẽ bị phạt đến 10% doanh thu năm tài chính trước. Thậm chí, nếu thị phần kết hợp vượt quá 50%, giao dịch có thể bị cấm thực hiện.
 
Về phía mình, Grab lập luận rằng ngay cả khi kết hợp với Uber, thị phần của hãng tại Việt Nam chưa đạt 30% nên không cần thông báo. Cục Cạnh tranh yêu cầu giải thích nhưng Grab chưa đưa ra căn cư chứng minh cho thị phần thấp dưới 30%.