Sản xuất diesel cho xe hơi bằng… vi khuẩn tiêu chảy
Các nhà nghiên cứu Anh đã biến đổi thành công gen để vi khuẩn tiêu chảy E.coli có thể chuyển hóa đường thành một dạng nhiên liệu sinh học gần giống dầu diesel thông thường.
Theo BBC, giáo sư John Love, chuyên gia sinh vật học đến từ Đại học Exeter, công bố sau 3 năm nghiên cứu, ông và các cộng tác viên đã thành công trong việc tạo ra một dạng nhiên liệu sinh học mới thay thế cho nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Ý tưởng của nhóm là “khiến các hãng xe hơi, người tiêu dùng và nhà bán lẻ nhiên liệu không thể nhận ra sự khác biệt giữa loại nhiên liệu này với diesel”.
Trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu tuyên bố loại nhiên liệu nhân tạo từ vi khuẩn E.coli có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù vẫn thải ra khí CO2 trong quá trình sử dụng, song lượng khí CO2 mà nhiên liệu sinh học tạo ra lại thấp hơn rất nhiều so với nhiên liệu hóa thạch. Chính vì vậy, các dự án nghiên cứu nhiên liệu sinh học đã được các nước phát triển thúc đẩy từ lâu, nhằm đối phó với tình trạng cạn kiệt nguồn nhiên liệu tự nhiên cũng như bảo vệ môi trường. Liên minh châu Âu thậm chí còn đề ra mục tiêu đưa vào sử dụng 10% nhiên liệu sinh học trong ngành giao thông vận tải vào năm 2020.
Với thành tựu mới này, các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể biến những vi sinh vật thường ký sinh trong đường ruột của người thành các nhà máy sản xuất nhiên liệu quy mô lớn. Việc thương mại hóa dự án được coi là một bước tiến rất lớn để đạt được mục tiêu giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Tuy nhiên, E.coli lại không tạo ra lượng nhiên liệu lớn. Giáo sư John Love cho biết phải mất tới 100 lít vi khuẩn E.coli mới sản xuất ra được một thìa cà phê nhiên liệu. Bởi vậy, đau đầu nhất hiện nay với các nhà khoa học, muốn có nhiều nhiên liệu, phải sản xuất ra nhiều vi khuẩn tiêu chảy.