Ôtô, xe máy kinh doanh kiểu gì bây giờ!
Mục tiêu 3,5 triệu xe ôtô và 36 triệu xe máy vào năm 2020 có thể đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước vào cảnh phá sản hàng loạt.
Theo Quyết định 356/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, ôtô các loại có khoảng 3,2 - 3,5 triệu xe, trong đó xe con 57%, xe khách 14% và xe tải 29%. Trong khi xe máy được giới hạn ở mức 36 triệu xe.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện nay cả nước có gần 2 triệu ôtô các loại và hơn 35 triệu xe máy. Như vậy, các nhà lập chính sách dự kiến từ nay tới 2020 sẽ có thêm khoảng 1,5 triệu ôtô các loại, chia cho 8 năm, trung bình mỗi năm được tăng thêm cỡ 190 nghìn xe. Con số này hơn gấp tương đương với tổng thị trường của năm 2012 nhưng cũng chỉ tương đương với năm 2009. Nghĩa là chính sách dự định thị trường xe hơi Việt Nam trong thập kỷ này sẽ giậm chân tại chỗ, hay nói cách khác, “từ chối khéo” các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ôtô, cũng như “chơi khăm” quy hoạch của ngành này.
Điều này cũng có nghĩa là các quy hoạch công nghiệp ôtô trước đây đặt ra với những mục tiêu to lớn đều chỉ là… trò đùa. Chưa cần nói đến việc đầu tư mới, chỉ tính riêng số doanh nghiệp ít ỏi trong lĩnh vực lắp ráp xe hơi trong nước thôi, đã không biết sẽ phải hoạt động như thế nào những năm tới.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết 2010, Việt Nam có 314 doanh nghiệp sản xuất ôtô, với tổng công suất đạt khoảng 458.000 xe/năm. Hiện nay, số xe bán ra chỉ bằng 25-30% năng suất và nếu theo quy hoạch kể trên, tới năm 2020 cũng chỉ nâng được lên gần 50% năng lực thực tế. Kể thêm vào đây các nhà phân phối và nhập khẩu xe nguyên chiếc, doanh nghiệp nào sẽ chật vật tồn tại và doanh nghiệp nào sẽ phải đóng cửa?
Tình trạng của ngành xe máy còn bi đát hơn: chỉ được phép thêm 1 triệu xe trong 8 năm tới, vì bản quy hoạch khẳng định phải hạn chế mức tăng xe máy bằng mọi biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật. Tổng năng lực của tất cả các công ty xe máy đang hoạt động ở Việt Nam hiện đã lên tới 5 triệu xe/năm. Riêng năm 2012, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ 3,1 triệu chiếc, mà đấy là đã giảm so với năm 2011. Với con số này thôi, theo “quota tăng trưởng” cỡ 100 nghìn xe/năm, còn lại 3 triệu xe khác làm thế nào bây giờ? Mở rộng thị trường xuất khẩu hay đóng cửa nhà máy? Câu trả lời quá rõ.
Vậy đây là trò đùa hay có điều gì gấp gáp đến nỗi đội ngũ tư vấn và lập chính sách có thể đưa ra một bản quy hoạch có tầm nhìn hạn hẹp và lượng định sai lầm như trên?