Ôtô bán chậm nhưng doanh nghiệp vẫn lạc quan
Mặc dù lượng tiêu thụ ôtô tại Việt Nam trong tháng 2 sụt giảm 34% so với tháng 1, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 72% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vẫn đánh giá cao con số này bởi đây cũng là thời điểm “tháng ăn chơi” sau Tết Nguyên đán theo quan điểm của người Việt.
Báo cáo bán hàng của VAMA mới công bố cho biết, tổng lượng bán của toàn thị trường (gồm cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước) trong tháng 2/2014 vừa qua đạt 7.314 chiếc, giảm 34% so với tháng 1 (bán 8.939 xe) và tăng 72% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý đây là tháng thứ 11 liên tiếp, doanh số bán hàng của toàn ngành đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước đó.
Biểu đồ bán xe toàn thị trường ôtô tính đến tháng 2/2014
Lượng xe con tiêu thụ là 4.509 chiếc (giảm 46%) và xe tải là 2.805 chiếc (tăng 2%). Trong số này, sức mua của xe lắp ráp trong nước đạt 5.234 chiếc, (giảm 34%), xe nhập khẩu là 2.080 chiếc (giảm 33%).
Bảng so sánh mức tiêu thụ theo tháng của VAMA.
Trong tháng 2, xét về mảng xe du lịch, Toyota Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường với lượng bán 1.570 chiếc (tăng 17% so với cùng kỳ). Ford Việt Nam đạt mức 650 chiếc, tăng 85% so với cùng kỳ. Honda Việt Nam bán được 381 xe (tăng 6,4% so với cùng kỳ), bám đuôi là Vinamazda bán 356 xe (tăng 6% so với cùng kỳ). Hai thương Mitsubishi và Nissan có mức tiêu thụ thấp, tương ứng là 117 và 64 chiếc. Thương hiệu xe sang Mercedes-Benz có mức tăng 93% về xe du lịch so với cùng kỳ đạt 176 chiếc, Lexus lần đầu tham gia số liệu báo cáo với 13 chiếc.
Bảng so sánh 2 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 của VAMA
Đáng lo ngại là đã có 2 doanh nghiệp vốn 100% trong nước là VMC và Vinaxuki không có số liệu bán hàng. Vinaxuki ngừng cung cấp số liệu từ nửa cuối năm ngoái, còn VMC bắt đầu im ắng từ tháng 1/2014. Hiện Vinaxuki đang đề nghị được vay khoản vốn 250 tỷ đồng, với thời hạn tối thiểu 7 năm theo chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia để bổ xung sản xuất.