Người Malaysia ngóng lời hứa của chính phủ về xe giá rẻ
Bầu cử đã xong, lời thề đã tuyên, giờ là lúc giới xe hơi Malaysia ngóng chờ chính quyền hiện thực hóa lời hứa của mình trong lúc tranh cử: mang đến cho người dân những chiếc xe rẻ hơn.
So với phe đối lập đánh trực diện vào việc giảm giá nhiên liệu, điện, thuế tiêu thụ đặc biệt… vốn được người dân ưa thích hơn, thì phương án của Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) theo kiểu “mưa dầm… lâu lâu mới thấm” tùy vào nước đi của nhà quản lý. Đó là hoàn thiện Chính sách Ôtô Quốc gia (NAP) để giá xe giảm đi khoảng 20-30% và tăng cường khả năng cạnh tranh của ôtô Malaysia và tiến tới giảm dần lệ phí đường bộ.
Tác động thì có thể chậm, nhưng giá xe sẽ phải đi xuống như BN đã hứa. Sự bức bối mỗi khi phải đem so giá xe ở Malaysia với Mỹ và châu Âu hay để Thái Lan cướp mất ngôi đầu về xe hơi ở Đông Nam Á thật không dễ chịu gì. Có thể hơi khập khiễng khi đem so với nền văn hóa tiêu dùng khác biệt lớn, nhưng nhìn sang các nước trong cùng khu vực thì lại là chuyện khác. Gần đây, Toyota đã tung ra thị trường Thái Lan chiếc Vios 2013 với giá gần 20.000 USD cho phiên bản 1.5J Manual và hơn 26.000 USD cho phiên bản 1.5S Auto. Trong khi ấy, người dân Malaysia vẫn còn đang phải chịu mức giá hơn 24.000 USD cho mẫu Vios 1.5J và gần 31.000 USD cho chiếc 1.5 TRD Sportivo Auto. Sự khác biệt 18-20% này đến từ đâu?
Thực tế, giảm thuế nhập khẩu chỉ có tác động vô cùng khiêm tốn đến giá xe ở Malaysia. Bởi ôtô nhập nguyên chiếc hoặc hoặc lắp ráp bằng linh kiện nhập từ Nhật Bản, Indonesia hay Thái Lan vốn chỉ phải chịu mức thuế nhập khẩu “tượng trưng” nhờ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Malaysia với Nhật Bản, hoặc với ASEAN (AFTA). Trong khi ấy, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay ở Malaysia rơi vào khoảng 75%-105% đối với nhóm xe passenger car (xe 5 chỗ trở xuống), 60%-105% đối với MPV (xe đa dụng), và 65%-105% đối với xe dẫn động 4 bánh. Do đó, về cơ bản, một chiếc xe có giá cao nằm chủ yếu ở thuế tiêu thụ đặc biệt - nhóm thuế không cần phải quá phụ thuộc vào cái gật đầu từ bên ngoài.

Toyota Vivos 1.5J trở thành món hàng đắt đỏ một cách tương đối đối với người Malaysia nếu đem so với Thái Lan
Theo Madani Sahari - CEO của Automotive Institute, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả đối với các thương hiệu lớn nên rơi xung quanh con số 40%. Người dân Malaysia đã quá mệt mỏi với thuế cao khiến xe hơi nước ngoài trở nên quá đắt đỏ, buộc họ phải dùng thương hiệu nội địa dù thực tâm không muốn. Theo ông Sahari, chỉ nên hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa thông qua chính sách: xe càng “Malaysia”, tức là sử dụng linh kiện, máy móc nội địa, thì người dân càng nên chỉ cần trả ít thuế hơn. Âu cũng là một cách thực sự khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước hơn là chỉ hô khẩu hiệu chung chung mà người dân không hiểu họ được lợi gì từ đó, đồng thời vẫn tạo độ cạnh tranh cần thiết.
Tuy nhiên, việc giảm thuế chỉ là từ phía chính phủ, còn các hãng xe có thực hiện hay không thì chưa chắc. Nhờ Chính sách Phát triển Ôtô Quốc gia NAP 2006, giá xe lắp ráp trong nước đã được hạ xuống, song Phó Thủ tướng khi ấy là ông Datuk Seri Najib Razak vẫn cảm thấy không hài lòng. Sau đó, xe Proton và Perodua tiếp tục giảm thêm vài %. Các xe Hyundai cũng xuống thêm 1,42-10,73%, trong đó giảm mạnh nhất là Sonata, còn Volvo tuyên bố phần lớn các mẫu xe của hãng đã giảm khoảng 7%. Nissan thậm chí nổi trội hơn cả với mức giảm 5% đối với Sentra và 12-15% đối với Cefiro.
Sự sụt giá mạnh năm 2006 đã gây ra những cuộc tranh cãi sôi nổi giữa những người đã trót mua xe trước đợt giảm cũng như các đại lý xe hơi cũ. Các ngân hàng cũng phải chịu rủi ro lớn khi những chiếc xe vốn đang là tài sản thế chấp bỗng chốc bị tụt giảm giá trị đáng kể.

Thương hiệu nội địa Proton đang dần mờ nhạt trước sự cạnh tranh khốc liệt
Có thể nói, không hãng xe nào sẵn lòng giảm giá, kể cả khi các mức thuế bị áp từ trước nay đã được gỡ bỏ. Thay vào đó, họ thích giữ giá bán và để bù lại, sẽ tăng thêm trang bị cho những mẫu xe đang bán hơn.
Việc thay đổi các mức thuế đột ngột cũng ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư. Đấy là lý do vì sao các khoản đầu tư lớn gần đây chủ yếu là vào Thái Lan, Indonesia và sắp tới có thể là Myanmar. Các hãng xe lớn không hẳn đã chê Malaysia, tỷ dụ Honda mới đầu tư dây chuyền lắp ráp xe hybrid và đang lắp ráp mẫu Jazz, Volkswagen vẫn đang do dự hay liên doanh Nissan Almera đã chi rất nhiều tiền để tăng cường nội địa hóa các mẫu xe lắp ráp tại đây.
Tình cảnh này rất giống với Việt Nam, cho dù thị trường Malaysia có quy mô lớn gấp khoảng 7 lần (hơn 600 nghìn xe vào năm 2012). Điểm khác biệt quan trọng nhất, đó là dù liên minh cầm quyền BN thắng cử hiện nay hay có là liên minh đối lập PR đi chăng nữa, cũng chỉ có một con đường là tìm cách giảm giá xe, bất kể làm thế nào đi chăng nữa.
Nhiều độc giả trên trang themalaysiainsider.com phản ánh rằng, họ cố nhiên thích giá rẻ. Tuy nhiên, họ sẵn sàng đóng một mức thuế hợp lý mà Chính phủ và người tiêu dùng có thể cùng hài lòng, miễn là tiền thuế thực sự là những đồng tiền “có ích”, tức là quay trở lại phục vụ đời sống người dân thông qua chính sách chi tiêu hợp lý. Nhưng rất đáng tiếc, tệ nạn tham nhũng khiến họ bất mãn với từng đồng thuế phải đóng khi họ không biết tiền sẽ đi về đâu.
|
