Lại lập chiến lược mới cho công nghiệp ôtô

Ôtô du lịch 5 chỗ ngồi và xe tải sẽ được xác định như trọng tâm để tính toán, hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô giai đoạn mới.

Bộ Công Thương đã hoàn thành báo cáo và chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, ban hành một đề án mới về phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hôm 17/4 đã diễn ra cuộc họp giữa các bộ, ngành dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tập trung rà soát các nội dung của báo cáo.
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện các nội dung để trình Thường trực Chính phủ xem xét trong thời gian tới, trong đó lưu ý việc xây dựng một đề án phù hợp với mục tiêu đưa công nghiệp ôtô vào một trong 6 ngành chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong giai đoạn tới.
 
Theo báo cáo của Bộ, hiện công suất thiết kế sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp sản xuất ôtô cả nước hiện đạt gần 500.000 xe/năm, cùng với hơn 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng. Tuy đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15-18%/năm, nhưng thị trường ô tô trong nước vẫn được đánh giá là còn nhỏ bé so với sản lượng thực tế, với mức tiêu thụ trung bình khoảng 100.000 xe/năm.
 
Từ thực tế trên, cộng với các số liệu tiêu thụ hàng năm do Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cung cấp, các chuyên gia cho rằng công nghiệp ôtô Việt Nam trong giai đoạn mới nên tập trung vào 2 dòng sản phẩm là xe du lịch 5 chỗ và xe tải. Lấy ví dụ gần nhất là năm 2012, VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 80.487 xe, trong đó phân khúc xe tải và xe thương mại chiếm đến khoảng 46,5%, phân khúc xe du lịch chiếm hơn 32%, phân khúc xe đa dụng chiếm hơn 21%. Tháng 3/2013 vừa qua, xe tải và xe du lịch vẫn chiếm thị phần lớn, lần lượt là 49% và 27% trong tổng số 7.666 xe mà VAMA bán ra.
 
Như vậy, công nghiệp ôtô lại đặt ra mục tiêu chiến lược mới, 4 năm sau khi Bộ Công Thương đề xuất tập trung phát triển dòng xe 6-9 chỗ ngồi. Đề nghị khi đó gây ra sự tranh cãi, một phần nhỏ vì có ý kiến cho rằng nên làm xe vừa nhỏ vừa rẻ, còn phần lớn vì các hãng xe đều muốn sản phẩm của mình được chọn làm xe chiến lược. Việc Chính phủ lại phải chỉ đạo thực hiện đề án phát triển cho thấy công nghiệp ôtô sau hơn 2 thập kỷ vẫn cứ loay hoay chưa xác định được lối ra. Chưa tính đến chuyện chiến lược của các ngành khác nhau lại gây cản trở cho nhau. Chẳng hạn, “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” của Bộ Giao thông vận tải chỉ “cho phép” Việt Nam có tối đa 3,5 triệu ôtô vào năm 2020. Nghĩa là trong 8 năm tới lượng xe hơi tăng thêm bị giới hạn ở con số 1,5 triệu chiếc, bất kể công nghiệp ôtô phát triển ra sao.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn