Hụt thu từ ôtô nhập, Hải quan muốn sửa Thông tư 20
Trong năm 2012, lượng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc chỉ đạt 27,4 nghìn xe, trị giá đạt 615 triệu USD, giảm 50% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với năm 2011. Điều này khiến Tổng cục Hải quan sốt ruột và đã kiến nghị tới Bộ Công Thương cần nhanh chóng sửa đổi Thông tư 20, bãi bỏ quy định nhập khẩu phải có ủy quyền chính hãng.
Theo báo Hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan ghi nhận trong năm 2012, lượng ôtô nhập nguyên chiếc các loại đều giảm so với năm 2011, như xe xuất xứ từ Hàn Quốc với 11,8 nghìn chiếc, giảm 52,9%; Thái Lan là 4,4 nghìn chiếc, giảm 17,9%; Trung Quốc: 3,89 nghìn chiếc, giảm 29,5%; Hoa Kỳ: 1,75 nghìn chiếc, giảm 38,7%; Ấn Độ: 1,28 nghìn chiếc, giảm 53%; Nhật Bản: 1,28 nghìn chiếc, giảm 72%; Đức: 1,26 nghìn chiếc, giảm 38,4%…
Cũng từ dữ liệu thống kê hải quan cho thấy loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống có tốc độ giảm mạnh nhất, lượng nhập về gần 13,7 nghìn chiếc, trị giá đạt 142 triệu USD, giảm 60,7% về lượng và giảm 66,6% về trị giá so với năm 2011; tiếp theo là xe tải với đạt 9,89 nghìn chiếc, trị giá là 295 triệu USD, giảm 38,3% về lượng và giảm 29,9% về trị giá so với một năm trước đó. Riêng lượng nhập ôtô loại khác trong năm qua là 3,82 nghìn chiếc, tăng 3,6% với trị giá là 179 triệu USD, giảm 2,7% về lượng.
Lượng xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc bắt đầu vào đợt giảm mạnh kể từ tháng 7/2011 với 3,92 nghìn chiếc và liên tiếp các tháng sau đó đều ở mức thấp hơn con số này. Đây cũng là thời điểm mà Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định về việc bổ sung thủ tục nhập khẩu đối với ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng do Bộ Công Thương ban hành có hiệu lực. Thông tư này yêu cầu đơn vị nhập khẩu phải có xưởng bảo hành đúng tiêu chuẩn, và quan trọng nhất, muốn nhập xe nào phải có giấy uỷ quyền của nhà sản xuất loại xe đó.
Nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vốn chiếm 5% tổng thu ngân sách Hải quan. Tuy nhiên, hiện một số cục Hải quan có số thu từ ôtô nhập khẩu lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM không còn đưa mặt hàng này là một trong những nguồn thu chính trong dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời Tổng cục Hải quan cũng “sốt ruột” không kém, đã kiến nghị tới Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 20 theo hướng: Kiến nghị bãi bỏ quy định về việc bổ sung Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó; gỡ bỏ hạn chế 3 cửa khẩu theo quy định tại Thông tư 20.
Trong các tháng gần đây, số liệu xe nhập luôn trong tình trạng giảm về lượng và chất, Hải quan là đơn vị đầu tiên bị ảnh hưởng bởi các chính sách điều phối thị trường thông qua nguồn thu NSNN giảm. Ngoài yếu tố hạn chế xe nhập bởi Thông tư 20, phí trước bạ tăng cao đến 15% và 20% (TP.HCM, Hà Nội) cũng góp phần làm thị trường đi xuống. Hệ lụy là nguồn thu NSNN ở các địa phương cũng èo uột theo. Đây chính là kết quả dễ đoán trước được khi các chính sách mang tính “chặn dòng” luồng chảy của thị trường được thực thi vội vàng, để đến khi thấy bất cập lại xin được “khơi thông”. Hậu quả không chỉ làm xáo trộn quy luật thị trường mà còn khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, chuyển hướng làm ăn sang các nước có chính sách ổn định hơn.