Các dòng ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống sắp phải chịu thêm phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu lên đến hơn 16 triệu đồng/phép thử/lần.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư mới, trong đó bổ sung thêm quy định thu phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với các dòng xe ôtô con. Cụ thể, những tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô 7 chỗ ngồi trở xuống khi kiểm tra thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu thì phải nộp phí thử nghiệm nhiên liệu và khi đăng ký cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng thì phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Mức phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu (theo phương pháp tính toán cân bằng cácbon hoặc đo tiêu thụ nhiên liệu trực tiếp) đối với ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống sử dụng xăng là 16 triệu đồng/phép thử/lần, sử dụng diesel là 16,5 triệu đồng/phép thử/lần, còn lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng 100.000 đồng/xe. Trong trường hợp phương tiện vừa đăng ký thử nghiệm khí thải vừa đăng ký thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu theo phương pháp cân bằng cacbon thì chỉ phải nộp một lần phí thử nghiệm khí thải.
Thực ra, đây không phải thông tin mới. Từ cuối năm 2014 đã rộ lên những câu hỏi đặt ra xung quanh Thông tư liên tịch số 43 ngày 24/9/2014 của liên Bộ GTVT và Công thương quy định việc dán nhãn tiêu thụ năng lượng đối với xe ô tô dân dụng loại từ 7 chỗ trở xuống. Tuy nhiên, khi đó, Vụ Môi trường (Bộ GTVT) khẳng định hùng hồn: “Chứng nhận nhãn năng lượng cũng được tiến hành đồng thời với chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nên không phát sinh chi phí và thủ tục hành chính đối với các nhà xản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô”. Dù 16 triệu cho cả lô xe không phải là con số lớn, nhưng nếu như theo tuyên bố này, thì phải bao gồm cả phí thử nghiệm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chứ không chỉ đơn phương là “phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu”.
Bên cạnh đó, sự cần thiết của loại phí này ở Việt Nam cũng là dấu hỏi lớn. TS. Phạm Xuân Mai - Cố vấn khoa học công nghệ của Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) - cho rằng Việt Nam không cần thiết thử nghiệm lại vì nước ngoài đã thử nghiệm trong điều kiện tốt hơn, hơn nữa “có điểm khác biệt là mức tiêu thụ nhiên liệu do Việt Nam thử nghiệm đều chỉ được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm. Thực tế vận hành sẽ có sai khác so với khi sử dụng phụ thuộc vào tình hình đường sá, lưu thông, trình độ lái xe của tài xế, thời tiết… Do vậy, người tiêu dùng sẽ xem thông số trên nhãn này chỉ có tính tương đối và để tham khảo” (theo báo Giao thông vận tải).