Hà Nội chuẩn bị thử nghiệm hệ thống xe buýt nhanh 49 triệu USD
Dự kiến tuyến xe buýt nhanh sẽ được chạy thử nghiệm tại Hà Nội trong quý IV năm nay và sẽ đưa vào hoạt động chính thức vào đầu năm 2015. Tổng giá trị của dự án là 49 triệu USD bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Được biết, tuyến xe buýt nhanh thí điểm đầu tiên là Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Tuyến xe buýt nhanh này đi trên một làn đường riêng với chiều rộng 3,5m, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện khác bằng một dải phân cách có gờ cao 20cm. Làn đường cho xe buýt nhanh được thiết kế nằm sát dải phân cách giữa.
Nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn quốc tế mới được hoàn thành trên đường Lê Văn Lương là một trong những hạng mục nằm trong dự án xe buýt nhanh
Theo đơn vị quản lý, chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14km xe buýt nhanh sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Tần suất các chuyến là từ 3-5 phút, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22km/h, các xe đều trang bị hệ thống GPS, kết nối trực tiếp với Trung tâm điều hành nhằm cập nhật, giải quyết các sự cố phát sinh. Đèn tín hiệu tại các nút giao thông mà xe buýt đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và trung tâm điều hành giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hạng mục một bến chờ xe buýt theo tiêu chuẩn quốc tế được hoàn thành trên đường Lê Văn Lương. Các hạng mục khác như Bên trung tâm Kim Mã, điểm cuối tại bến xe Yên Nghĩa… vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.
Dự án nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân, qua đó hạn chế phương tiện cá nhân. Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ có 8 tuyến buýt nhanh. Sau Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu nghiên cứu mô hình xe buýt nhanh này. Điều này có thể cải thiện hệ thống giao thông công cộng đang xập xệ hiện nay, với nhiều xe buýt trở nên quá cũ và xả khói “nhức đầu”. Tuy nhiên, mô hình này cũng đòi hỏi phải có làn đường dành riêng cho xe buýt, tức là mới chỉ áp dụng được cho một số tuyến phố lớn, chưa kể đến những điểm giao cắt có thể thường gặp phải tình trạng ách tắc và lấn làn. Điển hình như xe buýt đã có làn đường riêng ở Nguyễn Trãi, chỉ có điều không chỉ có xe buýt đi mà còn có cả xe máy, xe đạp, thậm chí đôi khi cả ôtô hay người đi bộ.